Từ lá phiếu độc lập, đến lá phiếu hạnh phúc

Cập nhật: 22-05-2021 | 08:20:20

Trong Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trước thế giới và quốc dân đồng bào: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập”. Để khẳng định quyền tự do độc lập ấy, ngày 6-1-1946, cử tri Việt Nam “bất luận già, trẻ, gái, trai” đã cầm trên tay lá phiếu của tự do độc lập để bầu ra Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

 Cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1- 1946 là sự kiện lịch sử trọng đại, mở đầu cho quá trình xây dựng chế độ dân chủ mới; là sự khởi đầu và phát triển của Quốc hội, một thiết chế dân chủ, trụ cột trong Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Mặc dù trình độ dân trí còn thấp và khó khăn trăm bề, thế nhưng cuộc tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vẫn có tới 90% cử tri cả nước tham gia bầu cử. Đất nước vừa giành độc lập chưa được bao lâu thì thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm nước ta thêm một lần nữa. Nhân dân ta buộc phải cầm súng đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm. Trải qua 30 năm trường chinh giữ nước, non sông gấm vóc cuối cùng cũng đã được thu về một mối sau đại thắng mùa xuân 1975.

Để nhanh chóng bắt tay dựng xây lại đất nước sau ngày thống nhất, ngày 25-4-1976, trên 23 triệu cử tri của nước Việt Nam phấn khởi cầm trên tay lá phiếu thống nhất nô nức đi bầu cử, bầu ra những đại biểu xứng đáng nhất vào cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Việt Nam độc lập, thống nhất. Đây là cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa VI (1976- 1981) - Quốc hội chung của cả nước đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất; là một sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước thắng lợi quyết định của nhân dân ta trên con đường thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước. Cuộc bầu cử sau ngày đất nước thống nhất được tiến hành nhanh, gọn và đạt kết quả cao với tỷ lệ cử tri đi bầu trong cả nước đạt 98,77%.

Sau lá phiếu của ngày đất nước thống nhất, cử tri cả nước đã nhiều lần cầm trên tay lá phiếu hạnh phúc để bầu ra những đại biểu ưu tú tham gia vào Quốc hội các khóa tiếp theo. Tỷ lệ cử tri đi bầu cử trong các kỳ bầu cử này luôn đạt từ 98 - 99%. Và, cứ mỗi lần cầm trên tay lá phiếu để thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, cử tri đều cảm nhận rõ sự hạnh phúc. Hạnh phúc vì Tổ quốc hoàn toàn độc lập, người dân hoàn toàn tự do, non sông không còn chia cắt. Hạnh phúc vì cuộc sống người dân ngày càng ấm no, thịnh vượng. Hạnh phúc vì “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng đúc kết.

Để hạnh phúc tiếp tục trường tồn đến muôn đời con cháu mai sau, cử tri hãy nghiêm túc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, sáng suốt lựa chọn những người tiêu biểu, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân để bầu vào Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Những đại biểu ưu tú được cử tri bầu chọn chắc chắn sẽ đóng góp công sức cùng Đảng, Nhà nước sớm đưa đất nước ta vươn lên, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 như mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

 LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=234
Quay lên trên