Với khát vọng đổi mới, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, từ tháng 3-2016 tỉnh Bình Dương đã triển khai Đề án thành phố thông minh (TPTM), nhưng không áp dụng cách tiếp cận thông thường là ứng dụng công nghệ hiện đại để giải quyết một số vấn đề như giao thông, năng lượng, hành chính điện tử… mà quyết định nghiên cứu mô hình đột phá của các TPTM trên thế giới đã thành công, đặc biệt là thành phố kết nghĩa Eindhoven, Hà Lan. Từ đó, Bình Dương học hỏi để vươn lên một tầm cao mới về kinh tế - xã hội, hướng đến nền dịch vụ, sản xuất công nghệ cao.
Xu thế phát triển tất yếu
Hiện nay, sự biến động về môi trường và dân số trong các đô thị là vấn đề cấp bách của toàn thế giới, đòi hỏi phải tìm ra những giải pháp đổi mới nhằm kiến tạo một điều kiện sống và làm việc tốt hơn cho con người. Hiện có hơn một nửa dân số toàn cầu đang sinh sống trong các thành phố và vùng lân cận và tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng nhanh. Một trong những giải pháp thiết thực mà nhiều nước trên thế giới đã và đang thực hiện là quy hoạch phát triển các đô thị hướng tới TPTM - nơi đưa ra các giải pháp chiến lược cũng như áp dụng những công nghệ hiện đại nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Bình Dương đang triển khai xây dựng TPTM. Trong ảnh: Một góc Thành phố mới Bình Dương. Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Tại các nước phát triển, hàng loạt đô thị đã được công nhận là “thông minh” theo các tiêu chí đánh giá khác nhau, như New York ở Mỹ, Montreal ở Canada, Suwon ở Hàn Quốc… Nhiều nước còn công bố phát triển TPTM là chiến lược quốc gia. Ở các nước đang phát triển - nơi mà dân số và các vấn đề môi trường đang gia tăng nhanh - xây dựng TPTM cũng trở thành trào lưu, điển hình như ở Trung Quốc, Ấn Độ. Tại Việt Nam, nhận thấy tầm quan trọng của xu thế này, nhiều địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ… đã công bố khởi động triển khai đề án xây dựng TPTM.
Hiện nay, nhiều tỉnh, thành thịnh vượng trên thế giới đang áp dụng thành công cách tiếp cận bền vững, đó là: Chú trọng trước hết việc tạo ra một cơ chế hợp tác chặt chẽ và năng động giữa nhiều thành phần trong địa phương (như các doanh nghiệp, chính quyền địa phương, người dân…) để phát huy được sức mạnh tập thể và sự sáng tạo của cả cộng đồng; đồng thời tùy vào bức tranh toàn cảnh, bản chất của nền kinh tế - xã hội, thế mạnh của địa phương mà cùng vạch ra các mục tiêu đột phá để triển khai một cách đồng bộ; đặt con người chứ không phải công nghệ là trọng tâm, mang lại lợi ích chung cho các bên. Bình Dương là một ví dụ điển hình của Việt Nam đang hoạch định chiến lược kinh tế - xã hội hướng tới TPTM theo cách tiếp cận này.
Thách thức và cơ hội
Đề án TPTM Bình Dương được xây dựng căn cứ trên 5 Chương trình đột phá của Tỉnh ủy giai đoạn 2016-2020. Từ đó, đề án hướng đến quy tụ nhiều nguồn lực cả trong và ngoài nước, nhắm đến những giá trị mới của nền kinh tế khu vực và toàn cầu trong thế kỷ 21, đặt con người và tri thức là trọng tâm. Đề án này cũng hướng đến lấy kết nối hợp tác “thông minh” làm phương châm để phát triển, vươn tới một nền kinh tế linh động, sáng tạo, có khả năng thích ứng với những chuyển biến của thế giới, mà trong đó mô hình “3 nhà” là nền tảng. |
20 năm trước, Bình Dương đã thực hiện đồng loạt các đột phá với chiến lược công nghiệp hóa, đưa tỉnh nhà từ một địa phương thuần nông nghèo khó trở thành một tỉnh công nghiệp tiêu biểu của cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bình Dương đang phải đối mặt với những thách thức mới, mà căn nguyên chủ yếu là nền kinh tế tỉnh nhà vẫn phải dựa nhiều vào sản xuất truyền thống, giá trị gia tăng của sản phẩm thấp, thâm dụng lao động. Để giải quyết triệt để các thách thức, theo các chuyên gia, Bình Dương cần chuyển hóa nền kinh tế từ dựa vào sản xuất truyền thống sang bứt phá lên một nền kinh tế có giá trị gia tăng cao hơn, sản xuất công nghệ cao, ít thâm dụng lao động, cũng như nâng tầm các đô thị. Tuy nhiên, đây là một hướng đi mới, đòi hỏi Bình Dương có những phương thức phát triển mới.
Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương có những lợi thế ban đầu để chuẩn bị cho hướng đi nói trên, đó là toàn tỉnh có hơn 30.000 doanh nghiệp, 29 khu công nghiệp, hệ thống cơ sở hạ tầng quy hoạch quy mô và đồng bộ. Đặc biệt, Bình Dương nằm trong khu vực tri thức cao của cả nước, riêng trên địa bàn tỉnh có 8 đại học, 7 cao đẳng, 16 trường nghề, 45 trung tâm, cơ sở dạy nghề và nằm trong khu vực có hơn 120 trường đại học, cao đẳng trong bán kính 2 giờ đi ô tô.
Bên cạnh đó, tình hình trong nước và thế giới cũng đang mở ra những cơ hội lớn cho một tỉnh công nghiệp như Bình Dương. Cụ thể là Việt Nam đang đón nhận làn sóng dịch chuyển của nền sản xuất thế giới. Trong khi đó, trên thế giới, nhiều xu thế phát triển mới đang mở ra hướng đi mới của thời đại như: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (theo Diễn đàn kinh tế thế giới 2017), xây dựng các TPTM (là chiến lược toàn lãnh thổ của Singapore, Hà Lan…). Các mô hình này đặt ra những khó khăn lớn cho các nước có trình độ công nghệ chưa cao, nhưng cũng là thời cơ vàng để các nước này bứt phá phát triển.
Hướng tới sự phát triển bền vững
Từ nền tảng quan hệ quốc tế sâu rộng của Bình Dương, lãnh đạo tỉnh và Tổng Công ty Becamex IDC đã quyết định nghiên cứu, học tập các kinh nghiệm xây dựng TPTM trên thế giới. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã rất quan tâm đến mô hình phát triển TPTM của Eindhoven (Hà Lan), trong đó lấy mô hình “3 nhà” (Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp) làm trọng tâm, các bên cùng chia sẻ kiến thức, nguyện vọng, từ đó cùng xây dựng kinh tế - xã hội của vùng phát triển.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC, cho biết xây dựng TPTM Bình Dương ứng dụng mô hình “3 nhà” của TPTM Eindhoven. Ý tưởng chủ đạo đến từ việc thành phố Eindhoven cách đây 20 năm chỉ là vùng đất phát triển công nghiệp nhỏ lẻ và truyền thống, vì không có những lợi thế vốn có của các thành phố khác như sân bay, cảng biển… Tuy nhiên, sau đó họ đã mạnh dạn đưa ra một mô hình phát triển mới gọi là Triple Helix (3 vòng xoắn). Trên nền tảng công nghệ, họ từng bước xây dựng Eindhoven không chỉ là một nơi đáng làm việc mà là một nơi đáng sống. Eindhoven hiện nay lọt vào danh sách một trong những TPTM nhất thế giới.
Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng về tiềm năng và những nét tương đồng của 2 địa phương, tỉnh Bình Dương và thành phố Eindhoven đã ký kết nghĩa. Ngày 28-3-2016, Bình Dương công bố khởi động Đề án TPTM Bình Dương, áp dụng mô hình “3 nhà” của thành phố Eindhoven vào Bình Dương, theo đó hướng tới đặt những nền tảng cơ bản đầu tiên cho một nền dịch vụ, sản xuất công nghệ cao, quy hoạch đô thị theo hướng thông minh trước năm 2021. Từ đó tạo tiền đề để Bình Dương tiến lên nền kinh tế tri thức, đón xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo ông Hùng, trong một TPTM, thông tin dữ liệu cần được tự do lưu chuyển và thật may mắn khi cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cơ bản, đường truyền cáp quang của Bình Dương được chuẩn bị tốt, tạo điều kiện dễ dàng cho những phát triển sau này. Việc trở thành một TPTM sẽ giúp Bình Dương thu hút thêm nhiều doanh nghiệp mới, các cư dân đến sinh sống và làm việc, tạo một sự phát triển bền vững cho thành phố Bình Dương trong tương lai.
Theo cách hiểu phổ biến hiện nay, TPTM là nơi ứng dụng các giải pháp công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông, để giải quyết các vấn đề cụ thể, đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời tạo điều kiện để cộng đồng cùng tham gia vào giải quyết những vấn đề này. Các giải pháp thông minh giúp quản lý một cách hiện đại, hiệu quả nhiều lĩnh vực như giao thông, giáo dục, y tế, hành chính, rác thải, nước, năng lượng, quy hoạch đô thị…
Học tập mô hình từ thành phố Eindhoven và với những mục tiêu phát triển của tỉnh, Bình Dương tiếp cận ý tưởng TPTM theo một cách riêng, khác với những phương thức tiếp cận thông thường xem TPTM là nơi ứng dụng các công nghệ tiên tiến để giải quyết các vấn đề cụ thể của xã hội. Với góc nhìn từ Bình Dương, TPTM có thể được hiểu là một hệ sinh thái năng động, sáng tạo, kết nối, trong đó tất cả thành tố đều liên tục cải tiến, đổi mới và tối ưu hóa.
PHƯƠNG LÊ