Việc xây dựng thí điểm “làng thông minh” ở xã Bạch Đằng (TP.Tân Uyên) được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề hướng đến xây dựng nông thôn mới (NTM) thông minh trong tương lai của tỉnh, bảo đảm xây dựng NTM gắn với quá trình phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh và TP.Tân Uyên khảo sát thực tế vườn bưởi ở xã Bạch Đằng
Thí điểm…
Xã cù lao Bạch Đằng có diện tích hơn 1.090 ha, được bao bọc bởi sông Đồng Nai hiền hòa. Đây là số ít những làng quê còn giữ được không gian yên bình, không có nhà máy sản xuất và nước thải công nghiệp.
Về Bạch Đằng những ngày này, chúng tôi có một cảm giác thật lạ - một bức tranh nông thôn yên tĩnh, thanh bình nhưng rực rỡ sắc màu. Con đường từ thành phố vào xã dài tăm tắp được bê tông hóa toàn bộ, xe ô tô chạy bon bon. Bạch Đằng không chỉ xanh - sạch - đẹp mà còn văn minh, hiện đại. Hệ thống điện, đường, trường, trạm đều được đầu tư đạt chuẩn. Internet, các thiết bị nghe nhìn, điện tử, điện lạnh, không thiếu thứ gì ở mỗi gia đình. Người dân quê lại hiền lành, chất phác, cuộc sống sung túc bên mảnh vườn, thửa ruộng, bao người mơ ước.
Theo lãnh đạo UBND xã Bạch Đằng, vào năm 2010, xã Bạch Đằng được chọn thí điểm xây dựng NTM. Đến cuối năm 2013, xã đạt 19/19 tiêu chí và trở thành điển hình trong xây dựng NTM. Trong giai đoạn 2021-2025, xã Bạch Đằng tiếp tục triển khai thực hiện xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, thực hiện nhiệm vụ xây dựng thí điểm “làng thông minh”. Đến năm 2025, xã Bạch Đằng phấn đấu trở thành làng thông minh đầu tiên của Bình Dương. Đây sẽ là nơi đáng sống với môi trường thiên nhiên trong lành, phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái và là biểu tượng xanh của tỉnh Bình Dương. Việc xây dựng thí điểm “làng thông minh” sẽ đem lại nhiều thuận lợi hơn cho sản xuất nông nghiệp, nhất là đưa thương hiệu đặc sản bưởi Bạch Đằng ngày càng vươn xa.
Hiện đề án “làng thông minh” ở xã Bạch Đằng đã triển khai nhiều công trình, hạng mục quan trọng như khởi công xây cầu Bạch Đằng 2, hệ thống đèn chiếu sáng hiện đại và 39 điểm camera an ninh ở các nút giao thông quan trọng. Trong xã, 35 điểm phát sóng wifi công cộng được lắp đặt, hệ thống cây xanh hiện diện ở 37 tuyến đường, vệ sinh môi trường được thực hiện tốt…
...Và nhân rộng
Từ mô hình thí điểm đầu tiên ở xã Bạch Đằng của TP.Tân Uyên, đến nay huyện Phú Giáo cũng đang xây dựng đề án “làng thông minh” trên địa bàn huyện. Đề án tập trung vào các nội dung trọng tâm như thể chế thông minh, nguồn lực thông minh, hạ tầng thông minh, dịch vụ thông minh, sản xuất và kinh doanh thông minh.
Theo PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh, thời gian qua, huyện Phú Giáo thực hiện khá tốt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện được đầu tư khá đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên... Thành tựu trên đây đã tạo nền tảng đầy đủ cho huyện Phú Giáo triển khai mô hình “làng thông minh”.
Ông Văn Quang Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, cho biết “làng thông minh” Phú Giáo sẽ triển khai theo định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch nông nghiệp. Trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đã trở thành hướng đi tất yếu của huyện Phú Giáo lâu nay. Hiện nay, ngoài Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái và chăn nuôi bò sữa ở xã Phước Sang, huyện Phú Giáo đã hình thành được hơn 100 cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó có nhiều mô hình mang lại giá trị kinh tế cao, lợi nhuận tăng 30 - 40%.
PHƯƠNG ANH