Xây nhà giữ trẻ cho con em công nhân

Cập nhật: 29-08-2018 | 08:42:05

 Với nhiều ưu đãi, Bình Dương luôn hấp dẫn với công nhân lao động (CNLĐ). Không chỉ dừng lại ở những hoạt động chăm lo cho CNLĐ, thời gian qua, các cấp công đoàn đặc biệt quan tâm xây dựng nhà trẻ cho con em CNLĐ. Chính điều này đã giúp cho họ có thêm động lực phấn đấu, an tâm lao động sản xuất, gắn bó lâu dài với quê hương Bình Dương.

Nhà giữ trẻ tự phát

Do phải tăng ca, nhiều bà mẹ là CNLĐ không còn thời gian chăm sóc con em mình. Ở những nữ lao động nuôi con nhỏ, khi đã nghỉ hết thời gian thai sản thì họ cũng vội vã đưa con gửi vào những nhàtrẻ để lao vào cuộc sống mưu sinh. Họ giao phó con mình cho những nhà trẻ tự phát dù điều kiện vật chất còn hạn chế. Qua khảo sát thực tế, một số nhà giữ trẻ tự phát không bảo đảm chất lượng trên các tiêu chí: Chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục. Nhiều nơi, phòng khách của gia đình được tận dụng làm chỗ giữ trẻ, trẻ thiếu sân chơi, thiếu ánh sáng, chất lượng bữa ăn kém…

Trường Mầm non Chí Hùng luôn thu hút con em lao động. Trong ảnh: Cô và trẻ trường Mầm non Chí Hùng trong buổi trưng bày sản phẩm của trẻ

Đã thành nếp, khoảng 6 giờ 45 phút ngôi nhà của cô Th. ở phường An Bình, TX.Dĩ An lại tấp nập xe ra vào của phụ huynh đưa các bé vào gửi. Là địa điểm giữ trẻ uy tín được nhiều phụ huynh biết đến, cô Th. nhận giữ hơn 10 trẻ trong gian phòng chừng 10m2. Một miếng ván làm vách ngăn nơi cửa ra vào đã gần như rệu rã. Ngoài hiên nào bịch ni-lông, nón mũ, túi xách để đồ của các bé treo lủng lẳng. Bé lớn từ 2 đến 4 tuổi thì chơi ngoài sân, những bé nhỏ hơn 1 tuổi được cách ly trong nhà. Theo đó, giá thu phí cũng khác nhau. Bé lớn tự ăn cơm được thì 600.000 đồng/tháng, bé nhỏ còn ăn cháo thì 400.000 đồng nhưng gia đình buộc phải mang thức ăn theo. Cô Th. cho biết: “Trước đây, giá thu phí một trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên có giá thấp nhưng nay dịch vụ này có rất nhiều người mở nên buộc phải hạ giá để cạnh tranh”.

Được một số người dân giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhàgiữ trẻ của cô Nguyễn Thị H., ở phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên. Từ một công nhân may, cô lấy chồng sinh con. Thời gian nghỉ hậu sản ở nhà chăm con, tiện thể cô H. nhận giữ thêm vài trẻ nữa bởi “cùng một công chăm sóc”. Từ ngày hành nghề tới nay cũng được 6 năm, thế nhưng những kiến thức chăm sóc, nuôi dạy trẻ đối với cô còn hạn chế. Điều đáng nói ở đây, dù các bậc phụ huynh vẫn biết đưa con vào gửi ở các nhà trẻ tự phát sẽ không bằng ở trường nhưng vẫn phải gửi vì trường ở xa, điều kiện kinh tế còn eo hẹp. Chị Nguyễn Thị Lan, công nhân một công ty gỗ cho biết: “Vẫn biết gửi con vào những nhàtrẻ tự phát sẽ không bảo đảm an toàn nhưng chị thường tăng ca nên đành chấp nhận gửi con vào đây”.

Doanh nghiệp xây nhà trẻ cho con công nhân

Vừa qua, một số doanh nghiệp sử dụng lao động nữ trên địa bàn đã bày tỏ sự lo lắng vì tình trạng nữ công nhân làm một thời gian rồi nghỉ để chăm con. Hệ quả là doanh nghiệp hao hụt lực lượng lao động có tay nghề trong thời điểm khan hiếm lao động như hiện nay, còn gia đình người lao động lại nặng gánh mưu sinh khi mất đi một phần thu nhập. Để giải quyết bài toán thiếu nhà trẻ cho con em công nhân, một số doanh nghiệp đã vào cuộc xây dựng, duy trì tốt việc giữ trẻ cho con CNLĐ. Hiện tại có một số đơn vị đầu tư xây dựng nhà trẻ cho con CNLĐ với quy mô từ 2 đến 10 lớp, mỗi lớp có thể giữ từ 25 đến 40 cháu, như: Công ty TNHH Yazaki EDS, Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và xây dựng Becamex (IDC), Doanh nghiệp tư nhân May Quốc tế, Công ty TNHH Hài Mỹ - Nhà máy Sài Gòn, Công ty TNHH Gỗ Tân Thành, Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương, Công ty TNHH liên doanh Chí Hùng…

Trao đổi với chúng tôi về việc xây nhà trẻ cho con em công nhân, bà Phan Lê Diễm Trang, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân May Quốc tế cho biết: “Với ý nghĩa tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân may yên tâm sản xuất, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, công ty chủ trương xây dựng trường mầm non cho con em công nhân đang làm việc trong công ty. Tất cả mọi chi phí từ tiền quần áo, mua đồ chơi cho bé, thậm chí cả tiền học phí đều miễn phí hoàn toàn. Ban Giám đốc thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn nhà trường nghiêm túc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, ký kết hợp đồng với các chủ hàng cung cấp thực phẩm sạch, có uy tín. Nghiêm túc xây dựng thực đơn nuôi dưỡng khoa học, cân đối các chất, bảo đảm cho trẻ ăn ngon miệng, hết suất và thay đổi thường xuyên các món ăn phù hợp với trẻ. Không những thế Ban Giám đốc còn trực tiếp kiểm tra nâng cao chất lượng giáo dục, đặt nền móng đầu tiên cho việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ”.

 “Để tránh tình trạng “chảy chất xám lao động có trình độ kỹ thuật cao”, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp cùng với các công đoàn cơ sở vận động, khuyến khích chủ doanh nghiệp xây nhà giữ trẻ cho con em CNLĐ. Việc làm này tuy chưa mang lại hiệu ứng cao nhưng góp phần khơi gợi doanh nghiệp quan tâm chăm lo hơn nữa đời sống vật chất tinh thần cho CNLĐ trên địa bàn”

(Bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh)

 

KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=998
Quay lên trên