Sau ngày 31-12-2021, các xe kinh doanh vận tải không lắp camera sẽ bị xử phạt. Đó là yêu cầu của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT); Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Sở GTVT các tỉnh, thành phố thực hiện Nghị định 10/2020/NĐ-CP.
Theo quy định, việc lắp camera giám sát hành trình sẽ giúp phục vụ hành khách tốt hơn cũng như thuận tiện cho cơ quan quản lý
Như vậy, chỉ còn hơn nửa tháng nữa là các xe kinh doanh vận tải phải thực hiện nghiêm yêu cầu lắp camera theo quy định. Qua tìm hiểu của P.V, hiện nay nhiều xe kinh doanh chưa lắp camera, lý do chủ xe đưa ra là do dịch bệnh, xe không hoạt động nên đang chờ Bộ GTVT tiếp tục lùi thời gian.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vận tải tỉnh, chia sẻ năm nay là một năm vô cùng khó khăn cho ngành vận tải cả nước nói chung và ngành vận tải tỉnh nói riêng vì dịch bệnh. Do dịch bệnh vừa được khống chế nên nhu cầu đi lại của người dân và vận chuyển hàng hóa chưa nhiều, một số xe chạy dịch vụ hiện nay không hoạt động nên hầu hết các chủ doanh nghiệp đều có ý kiến với hiệp hội là gửi văn bản đến cơ quan chức năng kiến nghị lùi thời gian lắp đặt camera. Theo ông Hùng, hiệp hội cũng chia sẻ và thông cảm với những khó khăn chung của doanh nghiệp, nhưng đây là chủ trương chung của Nhà nước nên phải chấp hành nghiêm.
Trong khi đó theo đại diện Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 6101S, căn cứ vào Nghị định số 10/2020/CP của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, nhóm xe phải lắp camera trước ngày 1-7-2021 và đã lùi thời hạn tới ngày 31-12. Việc lắp camera giám sát hành trình là một trong những tiêu chí hợp lệ để đăng kiểm xe. Sau ngày 31-12 các xe đến đăng kiểm vẫn chưa lắp camera giám sát thì coi như không hoàn thành thủ tục. Bên cạnh đó, khi tham gia giao thông, các xe vận tải chưa lắp camera sẽ bị lực lượng chức năng xử phạt nếu kiểm tra, phát hiện.
Ông Nguyễn Chí Hiếu, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết hiện nay tỷ lệ lắp camera giám sát hành trình tại các doanh nghiệp vận tải rất thấp, khoảng 10%. Trước tình hình này, Sở GTVT đã gửi văn bản đến các sở, ban, ngành, hiệp hội tuyên truyền đến các đơn vị, doanh nghiệp vận tải để doanh nghiệp nắm chủ trương thực hiện tốt.
Về vấn đề này, ông Vũ Quang Thanh, Giám đốc Công ty Phương Trinh, cho biết hãng Phương Trinh hiện có 30 đầu xe và đã được lắp đặt camera. Theo ông Thanh, việc lắp camera trên xe là sử dụng công nghệ để theo dõi, giám sát các hoạt động của nhân viên nhằm có những điều chỉnh kịp thời để phục vụ hành khách tốt hơn. Trong quá trình hành khách đi xe, nếu có những thắc mắc, khiếu nại sẽ có cơ sở để xử lý. “Việc lắp camera công ty phải bỏ tiền ra đầu tư, có nhân viên chuyên phụ trách về công nghệ để quản lý nên những đơn vị nhỏ lẻ có một hoặc hai xe sẽ không lắp camera. Đến thời điểm hiện tại, tuy các xe của hãng Phương Trinh đã được lắp hoàn chỉnh camera nhưng vẫn chưa chạy lại do khách đi xe công cộng vẫn rất dè dặt, công ty vẫn đang chờ dịch bệnh ổn hơn để hoạt động trở lại”, ông Thanh cho biết.
Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 10/2020/CP của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô: Trước ngày 1-7- 2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera bảo đảm ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông. Khoản 2 Điều 14 quy định điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô: Trước ngày 1-7-2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera bảo đảm ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên thời hạn được lùi lại đến hết ngày 31-12-2021. |
QUỲNH ANH