Tháng 5 đối với đội ngũ công nhân Việt Nam có nhiều ý nghĩa, là dịp để tôn vinh vai trò của người lao động (Quốc tế Lao động 1-5). Trong gần 10 năm qua, tháng 5 còn trở thành Tháng công nhân Việt Nam và tại Bình Dương trong tháng này cũng diễn ra Tuần lễ thanh niên công nhân. Đây là tháng cao điểm, các hoạt động chăm lo cho công nhân lao động (CNLĐ) được các địa phương, đơn vị, đặc biệt là cấp công đoàn tập trung thực hiện.
Năm nay, Tháng công nhân Việt Nam có chủ đề “Mỗi công đoàn cơ sở - Một lợi ích đoàn viên”. Theo đó, mục tiêu chung là phấn đấu mỗi công đoàn cơ sở (CĐCS) trong doanh nghiệp đều có hoạt động chăm lo lợi ích đoàn viên, phát huy vai trò của công nhân đối với sự phát triển chung của doanh nghiệp, của đất nước.
Để cụ thể hóa chủ đề này, các CĐCS tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CNLĐ; chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền có những hoạt động như đối thoại chính sách, thăm tặng quà, hỗ trợ các cơ chế chính sách chăm lo cho CNLĐ; tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình phúc lợi đoàn viên công đoàn; rà soát thỏa ước lao động tập thể và đề xuất, thương lượng với người sử dụng lao động cam kết để CNLĐ có “Quyền lợi bảo đảm, phúc lợi tốt hơn”; tổ chức thăm hỏi, tặng quà, tặng nhà “Mái ấm công đoàn”...
Tại Bình Dương, không chỉ trong Tháng công nhân, với phương châm “Ở đâu công nhân khó, ở đó có công đoàn”, trong thời gian qua, việc tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của CNLĐ ngày càng được các cấp công đoàn trong tỉnh chú trọng. Thực hiện vai trò, trách nhiệm, các cấp công đoàn trong tỉnh đặc biệt chú trọng công tác chăm lo, xây dựng giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cùng với các hoạt động chăm lo thường xuyên, việc thực hiện hiệu quả Tháng công nhân hàng năm đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho CNLĐ. Tổ chức công đoàn đã trở thành cầu nối giữa chủ doanh nghiệp với CNLĐ, là trung gian để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ. Điều này cũng góp phần từng bước nâng cao vai trò, vị trí của tổ chức công đoàn, xứng đáng đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp của CNLĐ.
Tuy nhiên trên thực tế, đời sống vật chất và tinh thần của CNLĐ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong các cuộc đối thoại với người lao động mới đây cho thấy còn tồn tại khá nhiều vấn đề mà CNLĐ trăn trở. Đó là nhà ở để “an cư lạc nghiệp”; giá điện, nước nhà trọ cao hơn giá chung; an toàn vệ sinh lao động, nhất là an toàn thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày... Do đó, để đáp ứng tốt yêu cầu chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của CNLĐ, các cấp công đoàn cần phải liên tục đổi mới nội dung, phương thức, huy động được tối đa các nguồn lực để đa dạng hóa các hoạt động chăm lo, bảo vệ người lao động. Có như thế, người lao động mới cảm thấy tháng nào cũng là Tháng công nhân và tổ chức công đoàn mới xứng đáng là mái nhà thứ hai của CNLĐ.
ĐÀM THANH