Biết chọn con đường làm giàu

Cập nhật: 20-07-2012 | 00:00:00

Với 9 mẫu đất, ông Lê Thành Nguyên (xã Long Nguyên, huyện Bến Cát) đã hiện thực khát vọng làm giàu bằng óc sáng tạo và đôi bàn tay cần cù lao động của chính mình. Với những thành tích nổi bật về làm kinh tế gia đình và truyền đạt kinh nghiệm làm ăn cho người khác, ông Nguyên được bà con tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND xã Long Nguyên và được tuyên dương là Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh năm 2011. Ông Lê Thành Nguyên thành công lớn trong làm ăn là nhờ dám thực hiện những suy nghĩ táo bạo trong phát triển kinh tế trang trại

Vay tiền kéo điện lập trại lạnh nuôi gà

Xã Long Nguyên được xem là “thủ phủ gà lạnh” của huyện Bến Cát với số lượng tổng đàn lên đến 70.000 con. Trong số những hộ nông dân đang thành công với mô hình nuôi gà lạnh không thể không kể đến ông Lê Thành Nguyên với 3.600m2 trại gà lạnh. Với một ít đất đai do gia đình để lại, ông Nguyên tiếp tục khai hoang thêm một diện tích khá lớn để có 9 mẫu đất canh tác. Những năm tháng bao cấp, cả gia đình thâm canh các loại cây trồng như lúa, bầu bí, cà pháo, dưa leo rồi chuyển sang trồng điều nhưng vẫn chỉ mang tính đắp đổi qua ngày, lo cho cái ăn, cái mặc. Cái nghèo đeo đẳng đã thôi thúc ông Lê Thành Nguyên suy nghĩ phải làm giàu bằng được ngay trên mảnh đất vườn nhà càng thêm cháy bỏng.

Năm 1984, ông Nguyên là một trong những người đầu tiên thử trồng cây cao su tại Long Nguyên. Ban đầu, ông chỉ trồng thử vài chục cây rồi nâng số lượng lên 200 cây cao su. Thấy cây cao su mang lại thu nhập ổn định, ông quyết định mở rộng diện tích. Đến nay thì 3 mẫu cao su đang thu hoạch mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho gia đình. Tuy nhiên, bước đột phá trên con đường làm giàu của ông Lê Thành Nguyên không phải ở 3 mẫu cao su ấy, mà chính là việc ông dám “dấn thân” vào cái nghiệp nuôi gà. Năm 1997, ông Nguyên bắt đầu mò mẫm đúc kết kinh nghiệm nuôi gà bằng cách nuôi gia công cho Công ty CP. Từ những lứa gà đầu tiên, ông hiểu rằng đây chính là một cơ hội làm giàu không thể bỏ qua. Tuy nhiên, do thời điểm đó mọi người đều nuôi gà trại hở vừa ô nhiễm môi trường lại cho năng suất không cao. Vậy là ông Nguyên phải sang tận Đồng Nai học tập mô hình nuôi gà trại lạnh, được xem là khá mới mẻ lúc bấy giờ.

Nhận thấy tiềm năng lớn của việc nuôi gà trại lạnh, ông Lê Thành Nguyên đã vay số tiền 700 triệu đồng để đầu tư đường điện trung thế dài hơn 500m để lập trại lạnh với quy mô 1.200m2, có khả năng nuôi đến 13.000 con gà. Đó là số tiền không hề nhỏ đối với một nông dân. Có được chuồng trại tốt, ông hợp đồng nuôi gà cho Công ty JAPEA. Đến năm 2007, ông Nguyên lại táo bạo vay thêm 2 tỷ đồng để xây dựng trại gà thứ 2, rồi vay thêm 2 tỷ đồng nữa vào năm 2008 để xây dựng trại gà thứ 3. Khi được hỏi vì sao một người nông dân như ông lại dám vay tiền tỷ để mở trại gà lạnh trong thời điểm dịch cúm gia cầm bùng phát khắp nơi, ông Lê Thành Nguyên cho biết: “Mình nắm được kỹ thuật tốt, lại tiêm phòng, sát khuẩn đúng quy định thì không ngại gì cả. Vả lại, việc nuôi gà gia công dù mang lại lợi nhuận ít hơn một chút, nhưng được bảo đảm khâu tiêu thụ nên cũng an tâm để làm ăn”.

Làm giàu bằng mô hình kinh tế kết hợp

Hiện tại, một trại gà lạnh nuôi gia công cho Công ty JAPEA của gia đình ông Nguyên nuôi được 4 lứa gà/năm, mỗi lứa cho thu nhập 100 triệu đồng. Với 3 trại gà lạnh, không khó để nhẩm tính con số thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm từ việc nuôi gà của gia đình ông Nguyên. Lợi nhuận mang lại từ năm 2007 đến nay giúp ông không chỉ trả lãi ngân hàng đầy đủ mà còn trả gần hết số nợ vay, trong khi kỳ hạn cho vay của ông đến năm 2015 mới hết.

Mặc dù nuôi gà trại lạnh là nguồn thu nhập chính của gia đình, lại không hề nhỏ, nhưng bằng sự say mê làm giàu từ chính sức lao động chân chính, ông Lê Thành Nguyên đã kết hợp nhiều vật nuôi để bổ trợ cho nhau. Với nguồn gà phế phẩm khá lớn trong quá trình chăn nuôi, đòi hỏi phải xử lý kỹ để tránh ô nhiễm môi trường, ông Nguyên đào thêm ao cá với diện tích khá lớn để nuôi cá trê nhằm tiêu hủy gà phế phẩm. Ngoài ra, ông còn nuôi thêm chồn và trăn để tận dụng số gà bị thải loại nói trên, sử dụng nguồn phân gà để trồng chuối xanh cho chồn ăn. Đến nhà ông Lê Thành Nguyên tại ấp Bà Thái, xã Long Nguyên, nhiều người không khỏi ngạc nhiên với 2 con trăn khổng lồ nặng hơn 1 tạ/con và 5 con trăn nhỏ cân nặng khoảng 50kg/con.

Năm 2006, ông Nguyên bắt đầu lập thêm trang trại để nuôi heo thịt, nhưng đến năm 2008, nhận thấy heo rừng lai mang lại hiệu quả kinh tế cao nên ông Nguyên liền thử mua 4 con giống về nuôi. Sau đó, ông lại trồng rau muống rồi lấy phân chuồng tưới rau để nuôi heo. Có thời điểm trại heo của ông lên đến 10 nái, tổng đàn vài chục con. Mỗi năm, ông bán khoảng 60 con heo thịt, thu lãi hơn 100 triệu đồng. Đến nay, trang trại theo mô hình kinh tế kết hợp của ông Lê Thành Nguyên mang lại nguồn thu nhập vào khoảng 4 tỷ đồng/năm. Đây là con số đáng mơ ước với bất kỳ người nông dân nào ở thời điểm hiện nay. Tâm sự về bước đường làm giàu, ông Nguyên bộc bạch: “Đối với người nông dân, con đường làm giàu không khó, quan trọng là phải dám nghĩ, dám làm. Tôi là một người may mắn vì được nhiều người chỉ cho đường đi đúng nên gặp được nhiều thuận lợi trên bước đường phát triển kinh tế gia đình”.

Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, ông Lê Thành Nguyên còn sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm làm ăn cho nhiều bà con tại địa phương. Mới đây, ông Nguyên đã hướng dẫn cho ông Võ Văn Thủ và ông Sáu Học, là người cùng ấp, mở trại nuôi gà lạnh và đã mang lại hiệu quả đáng kể.

Khánh Vinh

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên