Ở đâu có công đoàn, ở đó có thi đua

Cập nhật: 08-06-2013 | 00:00:00
Thấm nhuần tư tưởng của Người “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, tổ chức CĐ trong suốt những năm qua thường xuyên đảm nhận vai trò lĩnh xướng các phong trào thi đua trong CNVCLĐ và thực sự đã tạo ra những hiệu ứng tích cực cho mỗi thời kỳ cách mạng của đất nước.

Những phong trào mang “thương hiệu” công đoàn

  Ký kết giao ước thi đua tại Công ty mỏ tuyển đồng Sin Quyền

Có thể khẳng định, ở bất kỳ giai đoạn nào, những phong trào thi đua luôn được CĐ tổ chức tốt trên cơ sở bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm của từng thời kỳ, nhằm khơi dậy lòng yêu nước, tính năng động, sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân. Những “tác phẩm” mang “thương hiệu” CĐ kế tiếp nhau xuất hiện khiến cho phong trào thi đua lúc nào cũng sôi nổi, tạo nên những làn sóng tích cực trong CNVCLĐ.

Thời kỳ hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc có các phong trào “Thi đua chuẩn bị tổng phản công”, “Thi đua canh tác”. Đến thời kỳ đầu xây dựng CNXH ở miền Bắc và giải phóng miền Nam có những phong trào nổi danh tới mãi sau này, như “Sóng Duyên Hải - Gió Đại Phong - Cờ Ba Nhất”, rồi “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Tay búa, tay súng” và “Ngày thứ bảy đẩy mạnh SX, mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Đến giai đoạn cả nước xây dựng CNXH, tổ chức CĐ căn cứ vào tình hình nhiệm vụ đã phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Thi đua liên kết phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp và phát triển nông thôn”…

Đặc biệt, phong trào thi đua trên các công trình trọng điểm quốc gia đã “đánh” rất trúng điểm cần tập trung cho giai đoạn đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng của đất nước. Hàng loạt các công trình lớn như Nhà máy thủy điện Hòa Bình, Nhà máy thủy điện Trị An, Dầu khí Vũng Tàu, Cầu Thăng Long… giai đoạn trước, cho tới công trình Nhà máy lọc dầu Dung Quất, thủy điện Sơn La… giai đoạn gần đây đã được rút ngắn thời gian thi công, đưa vào sử dụng sớm hơn dự kiến nhờ có phong trào thi đua đó của tổ chức CĐ.

Từ năm 2008, Tổng LĐLĐVN đã lập giải thưởng mang tên lãnh tụ Công Hội Đỏ Nguyễn Đức Cảnh. Qua hai lần trao giải, đã có 239 CN trực tiếp LĐSX được vinh danh, tạo tiếng vang lớn và là cú hích quan trọng cho phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” tiếp tục được đẩy mạnh.

CĐ các địa phương, các ngành căn cứ vào tình hình nhiệm vụ cũng đã sáng tạo ra các phong trào thi đua mang tính thuyết phục rất cao. LĐLĐ Hà Nội phát động CNLĐ phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi thủ đô” và “Sáng kiến, sáng tạo thủ đô”. Kết quả 6 năm qua đã có hơn 800 người đạt danh hiệu và có khoảng 50.350 sáng kiến được áp dụng, làm lợi hơn 500 tỉ đồng.

LĐLĐ TP.Hồ Chí Minh phối hợp với Báo Sài Gòn giải phóng cho ra đời giải thưởng Tôn Đức Thắng từ năm 2000. Liên tục tổ chức hằng năm, từ đó đến nay đã có 127 CN ưu tú nhất của thành phố được trao giải. Chị Phạm Thị Ẻng - cán bộ tổ KT cơ điện, được giải thưởng Tôn Đức Thắng 2008 - hiện là Giám đốc XN bao bì An Khang - cho biết, giải thưởng đã thực sự là chất xúc tác giúp cho các phong trào thi đua trong CNVCLĐ trở nên cuốn hút hơn.

Có thể nói, phong trào thi đua liên tục được tổ chức và nó thực sự là hoạt động không thể thiếu, hoạt động gắn liền với bản chất cách mạng của tổ chức CĐVN.

Nâng cấp phong trào thi đua, hướng mạnh về phía công nhân

Phát biểu tại hội thảo “65 năm Công đoàn Việt Nam thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc” do Tổng LĐLĐVN tổ chức ngày 7.6, Phó Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội Đặng Minh Thuần cho rằng, công tác thi đua, khen thưởng cần hướng mạnh hơn nữa tới CNLĐ đang làm việc ở các DN.

Theo ông Thuần thì thực tế cho thấy, CNLĐ ở các DN ngoài nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài đang phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Những “ông chủ” DN chỉ quan tâm đến lợi nhuận nên “không cần thiết” phải phối hợp với CĐ tổ chức các phong trào thi đua. Việc khen thưởng cho CN cũng chỉ được định giá bằng tiền, không để ý đến các danh hiệu. Vì vậy, việc CN ở khu vực này được các danh hiệu thi đua cấp ngành hay cấp nhà nước là điều không tưởng.

Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐVN Nguyễn Hòa Bình thì khẳng định thời gian tới, công tác thi đua khen thưởng của tổ chức CĐ cần được quan tâm hơn nữa, đầu tư “chất xám” hơn nữa và cần huy động nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ CĐ nhiều hơn nữa để công tác này thực sự được “nâng cấp”.

Theo Lao Động

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên