Được mua nhà ở xã hội (NƠXH) với lãi suất thấp hoặc thuê nhà giá rẻ là nguyện vọng chính đáng mà công nhân lao động (CNLĐ) trực tiếp đề xuất với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi đối thoại giữa người đứng đầu Chính phủ với CNLĐ hôm qua (12-6). Thực tế cho thấy, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại nhiều địa phương, việc đầu tư xây dựng NƠXH, nhà ở cho CNLĐ đang có những bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu.
Trong đợt dịch bệnh Covid-19, chứng kiến cảnh tượng CNLĐ ồ ạt đổ về quê để tránh dịch, một giả thiết đặt ra là: Nếu CNLĐ xa quê có nhà ở, có tổ ấm gia đình bền vững, liệu tình cảnh này có xảy ra hay không? Thực tế, tại các địa phương phát triển mạnh về công nghiệp, CNLĐ từ nơi khác đến sinh sống, làm việc với mục đích đầu tiên chỉ là tìm cơ hội việc làm để có thu nhập. Bản thân nhiều CNLĐ xa quê cũng ít người nghĩ rằng họ sẽ gắn bó lâu dài với địa phương nơi làm việc. Và khi dịch bệnh xảy ra, CNLĐ có tâm lý về quê tránh dịch là điều rất bình thường, bởi quê hương chính là nơi họ có tổ ấm gia đình, quê hương mới là nơi trú ẩn an toàn khi có biến sự. Trong trường hợp này, nếu CNLĐ có nhà ở địa phương nơi làm việc, được chăm lo tốt các điều kiện sống cả về vật chất lẫn tinh thần, họ có thể xây dựng tổ ấm gia đình, chắc chắn sẽ không đổ dồn về quê như đã từng xảy ra.
Việc CNLĐ lũ lượt về quê trong đợt dịch bệnh vừa qua còn gây tác động tiêu cực đến quá trình sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp khi nguồn lao động hụt hẫng. Nền sản xuất công nghiệp bị đứt gãy do thiếu lao động; doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn với các đơn hàng đến hạn. Bên cạnh đó là những hệ lụy xã hội từ việc CNLĐ đổ dồn về quê… Do đó, kiến nghị về nhà ở của CNLĐ tại buổi đối thoại với người đứng đầu Chính phủ không chỉ là nguyện vọng chính đáng của họ, mà còn nêu ra một vấn đề kinh tế - xã hội cần phải giải quyết, đó là làm sao để an cư cho CNLĐ.
Để giải bài toán an cư cho CNLĐ, nhiều năm qua Bình Dương đã chú trọng đầu tư, xây dựng loại hình NƠXH. Đề án NƠXH đã được tỉnh triển khai từ hơn 10 năm trước, đã giúp hàng trăm ngàn CNLĐ, người thu nhập thấp… có mái ấm an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống tại địa phương. Hiện Bình Dương cũng đang tập trung triển khai xây dựng Đề án phát triển NƠXH giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo nhằm tạo cơ hội cho CNLĐ, người có thu nhập thấp có thể an cư lạc nghiệp, từ đó gắn bó lâu dài và đồng hành với địa phương trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy vẫn còn gặp những khó khăn về nguồn cung NƠXH so với nhu cầu thực tiễn, nhưng cách làm của Bình Dương sẽ là một gợi mở để giải quyết bài toán an cư lạc nghiệp cho CNLĐ xa quê.
ĐÀM THANH