Bangkok báo động đỏ

Cập nhật: 14-10-2011 | 00:00:00

Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã yêu cầu các khu vực đê bao bị vỡ ở Bangkok sẵn sàng kế hoạch sơ tán. “Ưu tiên an toàn cho người dân trước khi nghĩ đến việc bảo vệ tài sản của họ” - bà Yingluck ra lệnh ngay sau khi có cuộc hội kiến với đức vua Thái Lan.

  Binh lính Thái Lan gia cố bờ đê chắn lũ bằng bao cát ở chợ Bang Bua Thong, tỉnh Nonthaburi 

Báo Bangkok Post ngày 13-10 cho biết 50 văn phòng quận của thủ đô Bangkok đã được lệnh chuẩn bị sơ tán khi tuyến phòng thủ cuối cùng ở phía bắc Bangkok đang bị nước lũ chọc thủng.

Khoảng 8 tỉ m3 nước từ tỉnh Nakhon Sawan sẽ tràn về tỉnh Ayutthaya vào ngày 13-10 và có thể sẽ chảy vào Bangkok ngay sau đó. Thủ tướng Yingluck tuyên bố Chính phủ Thái Lan sẽ bằng mọi cách có thể để làm chệch dòng lũ sang hướng đông và tây của Bangkok, sau đó sẽ tháo nước ra biển. “Chúng ta phải nói sự thật” - bà Yingluck yêu cầu các cơ quan khi thông báo về tình hình lũ lụt.

Ba bờ đê ngăn lũ bảo vệ nội ô Bangkok đã được hoàn thành trong ngày 13-10. Khoảng 1,7 triệu bao cát đã được đưa đến để gia cố các bờ đê ở khu dân cư Muang Ake, Rangsit Khlong 5 và Taling Chan nằm sau khuôn viên Salaya của Trường đại học Mahidol.

Thị trưởng Bangkok MR Sukhumbhand Paribatra đã ban hành lệnh báo động đỏ sau khi đi thị sát bờ bao chắn lũ ở khu dân cư Muang Ake, thuộc tỉnh Pathum Thani cách thủ đô Bangkok 15km về phía bắc. Ông Paribatra cảnh báo 27 cộng đồng ở Bangkok có khả năng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi nước lũ tràn từ tỉnh Pathum Thani sang.

Chính quyền Bangkok đã điều động toàn bộ nhân viên tòa thị chính đi gia cố bờ đê chắn lũ dài 3km, cao 1,5m thêm 30cm nữa với hơn 200.000 bao cát ở khu Don Muang. “Nếu nước vẫn còn dâng cao, tôi không chắc bờ đê có thể ngăn được lũ, nếu không ngăn được lũ chúng ta không cứu được khu vực Don Muang. Tất cả các khu vực ở Bangkok đều có thể bị lũ tấn công bởi chúng tôi không thể tiên lượng được dòng chảy của nước. Song cho đến hiện giờ mọi thứ vẫn còn trong tầm kiểm soát” - ông Paribatra cho biết.

“Khoảng 1-1,2 tỉ m3 nước đang tràn vào Bangkok mỗi ngày” - người phát ngôn Trung tâm cứu trợ lũ lụt Thái Lan, ông Wim Rungwattanajinda, nói. Ông cho biết chính phủ đã ra lệnh cho Bộ Tưới tiêu Thái Lan bằng mọi giá phải nạo vét các con kênh để tháo nước ở phía tây và phía đông Bangkok và đưa ra vịnh Thái Lan. Bộ Tưới tiêu đã điều động số lượng lớn máy bơm và mở 20 cổng thoát nước dọc sông Tha Chin và sông Chao Phraya để đưa nước theo những con kênh ra biển.

Tại tỉnh Pathum Thani, tình trạng khẩn cấp đã được ban bố. Tỉnh trưởng Phirasak Hummueangkao cho biết lệnh này nhằm ngăn chặn cư dân các địa phương đang cố ý phá hủy các tuyến đê bao tạm thời để tháo nước cho tỉnh mình, song điều này rất nguy hiểm, bởi đê bao ở tỉnh Pathum Thani là những tuyến huyết mạch ngăn chặn dòng nước lũ khổng lồ từ các tỉnh đang dồn về thủ đô.

“Cả nước Thái Lan đang chống chọi với các thảm họa thiên nhiên, không chỉ người dân trong vùng bị lũ lụt hoành hành. Một số khu vực ở Bangkok đã bị ảnh hưởng, song tôi tin rằng trong nội ô vẫn an toàn. Chúng ta đang cố gắng giải thích rõ với người dân rằng nước lũ đang có mặt ở khắp nơi” - báo The Nation dẫn lời Thủ tướng Yingluck cho biết.

Trong khi bà Yingluck tuyên bố thì các quận Nong Chok, Klong Sam Wa, Min Buri và Lat Krabang ở Bangkok mực nước đã dâng cao từ 40-50cm. Trang web Thaiflood.com cho biết tính đến nay đã có 281 người thiệt mạng, 2 người mất tích. Khoảng 1/3 các tỉnh của Thái Lan đã trong tình trạng “thảm họa khẩn cấp”.

Cùng nhau vượt qua khó khăn này

Trong lúc chờ lũ tấn công vào thủ đô, người dân Bangkok đang kêu gọi tinh thần đoàn kết và nỗ lực chung lưng chia sẻ cùng cả nước.

Tại sân bay Don Muang, nơi đặt trụ sở tạm thời của Trung tâm điều hành cứu nạn lũ lụt (FROC), hàng trăm người đang tình nguyện đóng gói hàng cứu trợ. Từ đây các thông báo kêu gọi sự hảo tâm từ người dân luôn được hưởng ứng nhiệt liệt. Hàng hóa, tiền mặt, thức ăn, nước uống được lên danh sách thống kê theo từng thời điểm để người ta biết mà ủng hộ cho phù hợp. Xe tải cũng được trưng dụng và khuyến khích sử dụng để chuyển hàng. Trực thăng, jetski, tuk tuk, ghe nhựa là các phương tiện được nhắc đến nhiều nhất trong các bản tin.

“Ngoài cái ăn và uống, theo thống kê, người bị nạn rất cần sữa bột, tã giấy và một nhu cầu cấp bách khác đó là… nhà vệ sinh di động” - ông Sorayuth, người dẫn chương trình, cho biết trong bản tin sáng của Đài truyền hình TV3.

Từ những người lạ, thời gian này người Bangkok như trở nên quen biết nhau nhiều hơn. Thậm chí hàng chục ngàn người đã bấm “Like” và “Share” lại bức ảnh cựu thủ tướng Abhisit và Thủ tướng Yingluck cùng nhau bàn bạc tại FROC, thể hiện một sự đồng lòng của người Thái, bỏ sau những tranh giành chính trị.

Cũng không khỏi có những chuyện đau lòng như nạn hôi của, cạy khoét tủ rút tiền ATM, đập kính xe hơi bị ngập... Thức ăn và nước uống đóng chai bị vét sạch không còn dự trữ, cả các nhà cung cấp sỉ hàng đầu như Macro, Big C và Lotus.

Trong các ngày tới, đỉnh điểm của kế hoạch xả lũ với triều cường cao nhất của năm cùng với việc mưa liên tục không ngớt khiến người dân Bangkok vẫn còn ăn không ngon ngủ không yên. Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết, ai cũng tin Bangkok sẽ vượt qua nạn khó này. “Chúng ta sẽ sống sót” - như Ponthawat Wongrak, một Facebooker khá nổi tiếng, viết.

Theo TTO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên