Bảo đảm cho cử tri dùng quyền một cách sáng suốt

Cập nhật: 24-03-2016 | 06:53:36

Việc lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đang được các địa phương trong tỉnh tổ chức hướng dẫn và thực hiện. Đây là một phần việc quan trọng trong quy trình bầu cử nhằm bảo đảm phát huy dân chủ, công khai trong bầu cử. Đặc biệt, đây cũng là một trong những điều kiện giúp cử tri thực hiện quyền bầu cử của mình một cách sáng suốt.

 Bầu cử là ngày hội của toàn dân, là dịp để công dân thực thi quyền và nghĩa vụ, bầu ra những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình, có đủ đức, đủ tài, đủ sức gánh vác công việc của đất nước, địa phương. Trong quy trình bầu cử, việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhằm phát huy quyền làm chủ của cử tri, tạo điều kiện để cử tri đóng góp ý kiến và bày tỏ tín nhiệm đối với người ứng cử. Chính vì thế, việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú phải được thực hiện theo nguyên tắc dân chủ, công khai, thiết thực, hiệu quả, bảo đảm nội dung, thời gian, địa điểm và phải được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương để nhân dân biết, tham gia.

Trong hội nghị lấy ý kiến và tín nhiệm của cử tri, ngoài các thủ tục theo quy định còn có nội dung giới thiệu về tiêu chuẩn của người đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; những trường hợp không được ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND. Những tiêu chuẩn này đều đã được quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương một cách rất rõ ràng. Tựu chung lại, để trở thành người đại biểu nhân dân cần phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Người đại biểu nhân dân phải có phẩm chất đạo đức, “cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”; có trình độ, năng lực chuyên môn và sức khỏe; đặc biệt là phải “gần dân, sát dân” để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân…

Do vậy, việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú còn là dịp để cử tri nắm rõ các tiêu chuẩn và bước đầu tiếp cận với tiểu sử lý lịch của những người được giới thiệu hoặc tự ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Từ đó, cử tri sẽ căn cứ vào các tiêu chuẩn của người đại biểu nhân dân, cho ý kiến, tín nhiệm hay không tín nhiệm đối với các ứng cử viên. Điều này là cơ sở để thực hiện công tác hiệp thương lần cuối cùng, lập danh sách chính thức những người ứng cử bảo đảm đủ tiêu chuẩn theo quy định và tránh đưa vào danh sách những người có biểu hiện sai phạm, tiêu cực…

Hơn thế nữa, việc lấy ý kiến và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với các ứng cử viên còn góp phần bảo đảm cho việc cử tri dùng quyền của mình một cách sáng suốt, bầu ra những người đủ đức, đủ tài vào các cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.

THÀNH SƠN 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=731
Quay lên trên