Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng: Luật đã có, nhưng …

Cập nhật: 17-03-2014 | 00:00:00

 Vi phạm quyền NTD vẫn phổ biến

Dù vụ việc đã xảy ra gần một năm, nhưng anh Phan Thanh Cường, tạm trú tại phường Thuận Giao, TX.Thuận An vẫn ấm ức khi nhắc đến câu chuyện của mình. Mua chiếc điện thoại Samsung Galaxy S5360 đã kiểm tra kỹ, người bán cam kết hàng zin 100%, nơi bán có địa chỉ, số điện thoại nên yên tâm. Nhưng về nhà gọi không được, khi nghe thì tắt nguồn. Đem đến cửa hàng (Thế giới di động 1/176 Hòa Lân II - Thuận Giao, Thuận An) thì được đổi chiếc model S5363, nhưng chiếc điện thoại này lại không lên mạng được. Nỗi bức xúc càng nhân lên khi hãng Samsung thông báo máy này hãng không sản xuất. Yêu cầu đổi lại máy mới hoặc hoàn lại tiền, người bán không đồng ý. Mang chiếc điện thoại cùng lá đơn khiếu nại đến Hội BVQL NTD tỉnh nhưng khi kiểm tra thông tin thì hỡi ôi, địa chỉ cửa hàng ghi không đúng trên hóa đơn, số điện thoại thì không có thực nên anh đành ôm nỗi buồn vì sự bất cẩn của mình.

   Người tiêu dùng cần nâng cao hiểu biết khi mua hàng hóa để bảo vệ quyền lợi của chính mình (ảnh chỉ mang tính minh họa)

Tình trạng quyền lợi NTD bị xâm hại không chỉ diễn ra đối với việc mua hàng trực tiếp, mà còn xuất hiện ngày càng nhiều đối với việc sử dụng dịch vụ, mua hàng hóa gián tiếp. Một khách hàng bức xúc cho biết, điện thoại của khách hàng này ngày nào cũng nhận không dưới 3 tin nhắn kiểu như nhắn bói toán, mời gọi xem phim ảnh, đọc truyện, mời nhắn tin để nhận bài hát, trúng thưởng giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng. Mặc dù không trả lời tin nhắn, nhưng cuối cùng tin nhắn vẫn báo dịch vụ thực hiện thành công. Và, khi chủ nhân kiểm tra số dư trong tài khoản, bao giờ cũng mất 15.000 đồng cho phí dịch vụ!

Trên đây chỉ là vài trường hợp điển hình, thực tế còn rất nhiều những trường hợp người bán không trung thực khiến quyền lợi của NTD bị xâm hại nghiêm trọng. Theo báo cáo của Hội BVQL NTD tỉnh, trong năm 2013, đơn vị này và các chi hội trên địa bàn tỉnh đã giải quyết thành công khiếu nại 40 đơn của NTD về các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất. Các trường hợp khiếu nại chủ yếu là hàng hóa hết hạn sử dụng, xăng dầu kém chất lượng, sản phẩm không đạt chất lượng… tập trung ở các nhóm hàng tiêu dùng như dầu mỏ, khí hóa lỏng, xe gắn máy, lò vi sóng, thức uống, điện thoại di động, mua hàng hóa, dịch vụ qua mạng…

NTD cần nâng cao hiểu biết

Luật BVQL NTD có hiệu lực từ ngày 1-7-2011, quy định 8 quyền của NTD. Tại Bình Dương, được sự quan tâm của chính quyền địa phương các cấp, Chi hội BVQL NTD các huyện, thị, thành phố đã được thành lập từ năm 2002, đến nay đã có nhiều nỗ lực, nâng dần chất lượng hoạt động để đáp ứng được yêu cầu. Có thể nói, từ khi có cơ chế, nhiệm vụ cụ thể để hoạt động, công tác tuyên truyền Luật BVQL NTD bằng nhiều hình thức, kết hợp kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm với các ngành chức năng ngày càng tăng, số việc giải quyết hòa giải thành công ngày càng cao đã góp phần nâng cao hiểu biết về quyền của NTD; đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh chân chính và NTD, góp phần thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, thị trường ổn định, hạn chế và đẩy lùi các hành vi sản xuất - kinh doanh hàng giả, hàng nhái hàng kém chất lượng. Tuy vậy, thực tế cho thấy, không phải NTD nào cũng quan tâm đúng mức đến quyền của mình.

Theo Chủ tịch Hội BVQL NTD tỉnh Nguyễn Văn Bán, vẫn còn khá nhiều NTD được hỏi không biết mình có quyền gì. Tình trạng khá phổ biến hiện nay là NTD chưa thực sự quan tâm đến những việc cơ bản nhất khi mua hàng như kiểm tra, xem xét hàng hóa khi nhận hàng, hóa đơn thanh toán có khớp với địa chỉ nơi bán, điều kiện bảo quản sản phẩm... Khi nhận hàng rồi, nhiều người còn không lấy hóa đơn, chứng từ bảo hành. Bởi vậy khi xảy ra tình trạng mua về sử dụng mới phát hiện nhiều vấn đề thì không có cơ sở để giải quyết. Ông Nguyễn Văn Bán cũng cho rằng, bên cạnh hành vi gian lận, cố tình lừa dối NTD của một bộ phận tổ chức, cá nhân sản xuất - kinh doanh, một yếu tố quan trọng là khi mua nhầm hàng hết hạn sử dụng, hàng dỏm, cân đong thiếu… đại đa số NTD đều có tâm lý bỏ qua, vì cho rằng không đáng bao nhiêu, ngại đến các cơ quan chức năng để khiếu nại, tố cáo…

Cũng theo ông Nguyễn Văn Bán, để Luật BVQL NTD thực sự là công cụ bảo vệ NTD hiệu quả, bên cạnh vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước đòi hỏi người sản xuất - kinh doanh thi hành đúng luật, đúng trách nhiệm thì yếu tố căn bản nhất là NTD phải tăng cường sự hiểu biết, không sử dụng những sản phẩm hàng hóa kém chất lượng, hàng nhái, hàng gian, hàng giả. Khi mua phải lưu ý đến tình trạng hàng hóa, sản phẩm dịch vụ, yêu cầu thông tin rõ ràng về nơi bán và cuối cùng là mạnh dạn khiếu nại, tố cáo những tổ chức, cá nhân để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. “Chỉ khi có sự song hành giữa NTD, cơ quan quản lý nhà nước và các công cụ pháp luật, quyền lợi của NTD mới được bảo vệ đúng mức”, ông Nguyễn Văn Bán nhấn mạnh.

 TRÚC HUỲNH 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên