Dịch cúm A đang là vấn đề thời sự nóng bỏng.Tính đến ngày 10-4, đã có tổng cộng 33 trường hợp nhiễm cúm A (H7N9) ở Trung Quốc, số người thiệt mạng do nhiễm chủng dịch cúm này đã tăng lên 9 người mà nguyên nhân chính xác gây ra nhiễm bệnh vẫn chưa được làm rõ. Trong khi đó, một dòng vi rút cúm A khác diễn biến cũng rất khó lường. Ở Campuchia, vi rút cúm gia cầm A (H5N1) đã khiến 10 người bị bệnh từ đầu năm đến nay, trong đó 8 người thiệt mạng. Tại Việt Nam, ca thiệt mạng đầu tiên do cúm A (H5N1) trong năm 2013 đã xảy ra.
Ngày 9-4, Sở Y tế Đồng Tháp thông tin chính thức có 1 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A (H5N1). Tiền sử gia đình bệnh nhân có mua gà về làm thịt ăn cả nhà ngày 25-3. Một nỗi lo khác, khi tại Ninh Thuận, hàng ngàn chim yến chết hàng loạt có liên quan đến cúm A (H5N1). Ngày 10-4, ngành thú y xác nhận, trong vụ 4.000 con chim yến nuôi trong nhà chết tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), các mẫu xét nghiệm đều cho thấy bị nhiễm vi rút cúm A(H5N1).
Từ những diễn biến trên, việc triển khai các biện pháp chủ động phòng chống sự lây nhiễm dịch cúm A cần được tích cực thực hiện một cách nghiêm túc và quyết liệt. Riêng ngành y tế đã tích cực chủ động các biện pháp phòng chống, dù dịch cúm A (H7N9) chưa phát hiện ở Việt Nam. Cụ thể, ngày 10-4, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A (H7N9) ở người, chính thức đưa vào áp dụng tại các cơ sở y tế. Theo Bộ Y tế, vi rút cúm A (H7N9) là một chủng mới, có nguồn gốc gen từ vi rút cúm gia cầm và một số loài chim, có khả năng gây nhiễm cho người dẫn đến viêm phổi nặng tiến triển nhanh, tỷ lệ tử vong cao. Ngoài ra, những người có biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp cấp như sốt, ho, khó thở, có tổn thương nhu mô phổi, viêm phổi hoặc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển nhanh, không tìm được bằng chứng nhiễm trùng do các căn nguyên khác gây viêm phổi đều là những ca nghi ngờ.
Bên cạnh ngành chức năng vào cuộc, mỗi gia đình, cá nhân cũng cần tích cực tham gia phòng chống dịch bệnh này. Trước hết là bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng xung quanh, cụ thể, như: Rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm; Không buôn bán, vận chuyển, giết mổ, sử dụng thịt gia cầm chưa được kiểm dịch đúng quy định, không sử dụng, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không bảo đảm an toàn thực phẩm; Khi phát hiện gia cầm bệnh, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Trường hợp có khó thở, đau ngực, sốt, ho, nhất là người từ vùng dịch, phải đến ngay cơ sở y tế để được điều trị và chẩn đoán kịp thời.
Dịch bệnh cúm A đang diễn biến phức tạp và có thể xảy ra thành dịch bất cứ lúc nào. Các cấp, các ngành, các địa phương cần vào cuộc, tăng cường các biện pháp chủ động phòng chống để tránh dịch bệnh có thể xảy ra. Sẵn sàng đối phó với dịch bệnh nhưng không hoang mang lo lắng, sợ hãi. Bên cạnh đó, mỗi người, mỗi gia đình cần tích cực thực hiện những khuyến cáo trên để bảo vệ sức khỏe, phòng dịch bệnh cho bản thân, gia đình và khu dân cư. Tất cả cùng chung tay bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
DÂN THƯỜNG