Làm gì để kiểm soát thu nhập “nhạy cảm”?

Cập nhật: 08-04-2013 | 00:00:00

Trong bản kê khai tài sản của một nữ cán bộ công chức (CBCC) một sở ở TP.Hà Nội cho biết, tài sản tăng thêm năm 2012 của mình gồm: 3 căn nhà có tổng diện tích 900m2, 1 khu nghỉ dưỡng diện tích 150m2, 3 khu đất trồng cây lâu năm diện tích 20.765m2, 2 ô tô trị giá 2 tỷ đồng. Bản kê khai của nữ cán bộ này được niêm yết công khai tại cơ quan làm việc. Theo nữ cán bộ này, số tài sản tăng thêm được kê khai không có tài sản nào do mình đứng tên. Số tài sản có được là do chồng (đang công tác ở Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội) làm thêm “ở bên ngoài”. Việc kê khai tài sản của cán bộ này là làm đúng theo quy định.

Và chắc chắn người này sẽ phải giải trình (nếu có yêu cầu) về số tài sản tăng thêm trị giá hàng chục tỷ đồng của mình. Có thể coi việc làm của nữ cán bộ này là nên khuyến khích về sự trung thực, minh bạch trong kê khai tài sản của CBCC vốn đã có những quy định rất cụ thể. Nghị định 68/2011/NĐ-CP là quy định mới nhất của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập trong đó quy định phải công khai bản kê khai tài sản, thu nhập. Người kê khai tài sản, thu nhập phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, sự trung thực, đầy đủ với nội dung kê khai. Điểm mới đáng chú ý là bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai phải công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình đang công tác.

Nêu ra một trường hợp như trên để nói về một đề tài khoa học cấp bộ có tên “Kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn” đã được nghiệm thu và đánh giá xuất sắc. Chủ nhiệm đề tài là ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ. Điều đáng chú ý là nhóm thực hiện đề tài đã đề xuất việc xây dựng “luật về kiểm soát tài sản, thu nhập” trong bối cảnh không ít CBCC có những khoản thu nhập “nhạy cảm”.

Năm 2012, Thanh tra Chính phủ chủ trì một cuộc khảo sát gần 2.000 CBCC ở 10 địa phương và 5 bộ ngành. Kết quả cho biết, có 79% CBCC trả lời có thu nhập ngoài lương và các khoản phụ cấp theo lương. Trong số này, có hơn 50% CBCC trả lời đó là tiền bồi dưỡng từ các cuộc họp, 60% có nguồn thu do tiết kiệm được từ các khoản chi theo định mức khoán, 5% có nguồn thu ngoài lương từ khoản biếu, 40% có nguồn thu khác… Dù quy mô khảo sát chưa nhiều người, nhưng qua đó cho thấy, số CBCC có thu nhập ngoài lương chiếm tỷ lệ cao. Nguồn thu nhập ngoài lương cũng khá đa dạng. Có những khoản thu nhập “nhạy cảm” liên quan tham nhũng như tiền được chia từ các khoản hoa hồng, quỹ riêng của đơn vị, tiền được biếu, tặng…

Vì vậy nhóm nghiên cứu đề tài đã đề xuất xây dựng một đạo luật riêng về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Mục đích của đạo luật là nhằm phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để có được tài sản, thu nhập bất hợp pháp. Mà đã bất hợp pháp thì phải kiểm soát bằng luật chứ không thể kiểm soát bằng biện pháp thông thường.

NHẬT HUY  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên