Tại hội nghị giao ban trực tuyến về công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) nông lâm thủy sản ngày 4-4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã đề nghị với những vi phạm nghiêm trọng về vấn đề này thì cần phải xử lý theo luật hình sự. Có thể hiểu đằng sau đề nghị này là một nỗi lo lớn về việc mất an toàn vệ sinh thực phẩm đang diễn ra tràn lan, mà nếu không có những biện pháp mạnh thì rất khó để ngăn chặn, đẩy lùi.
Từ lâu nay, sau bao vụ vi phạm về ATTP chủ yếu vẫn là xử phạt hành chính, cùng lắm là rút giấy phép, đình chỉ hoạt động cơ sở vi phạm. Tất cả những biện pháp đó xem ra “chưa đủ đô” để chấn chỉnh tình hình. Bởi vậy mà cứ kiểm tra là lòi ra sai phạm như số liệu báo cáo của ngành chức năng. Chỉ tính riêng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tại 61/63 tỉnh, thành, qua phân loại đã có tới 63% xếp loại C, tức là loại không đủ điều kiện vệ sinh ATTP. Cũng theo lời bộ trưởng, nguyên nhân tồn tại tình trạng nêu trên thì có nhiều, nhưng ông cũng khẳng định nguyên nhân chủ yếu vẫn thuộc về chủ quan, việc chế tài xử lý còn nhẹ và thiếu. Lực lượng chức năng cũng đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý được nhiều vụ việc nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu…
Nhìn nhận thực tế, mạnh dạn công khai những khiếm khuyết và đưa ra những đề nghị mạnh mẽ đó là điều đáng ghi nhận từ những phát biểu của bộ trưởng. Nhưng, lại phải dùng từ nhưng, bởi cán bộ cùng ngành ở các địa phương, các cơ quan chuyên môn thuộc bộ này lại kêu khó trong quản lý, thiếu văn bản hướng dẫn… lại là những điệp khúc cũ mà người tiêu dùng không muốn nghe nữa. Khó khăn đã thấy, lời bộ trưởng đã phát ra, cái mà người tiêu dùng cần đó là chính những ai, những cơ quan liên quan phải tìm mọi biện pháp để tháo gỡ khó khăn nội tại, để đem lại những sản phẩm tiêu dùng bảo đảm an toàn.
Trong tất cả các biện pháp, có lẽ biện pháp mạnh nhất vẫn là xử lý hình sự các vụ vi phạm nghiêm trọng. Nếu không, những hành vi coi thường sức khỏe, coi thường mạng sống người tiêu dùng vẫn rất khó để triệt tiêu
CẢNH HƯỞNG