Sẽ chưa tăng giá điện, ít nhất là trong tháng 4-2013, thông tin chính thức này vừa được Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) Đặng Huy Cường khẳng định tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương, đã làm hầu hết người dân nhẹ nhõm hơn. Bởi, sau khi giá xăng bất ngờ tăng mạnh từ đêm 28-3, thì người dân càng thêm lo lắng, hồi hộp trông chờ vào “số phận” của giá điện vốn đã râm ran có tin tăng giá cách đây không lâu.
Ai cũng biết, xăng dầu là loại hàng hóa chi phối mạnh đến các mặt đời sống, nhất là giá cả thị trường, cho nên khi giá xăng tăng, việc giá cả hàng hóa sẽ “đội giá” hoặc bị lợi dụng để “té nước theo mưa” là điều khó tránh khỏi. Do vậy, việc chưa tăng giá điện - một loại “hàng hóa đặc biệt” khác cũng thiết thân không kém với cuộc sống thường nhật - có thể nói là một quyết định phù hợp vì nếu tăng giá điện trong thời điểm này sẽ càng chồng chất thêm khó khăn cho nền kinh tế và đời sống người dân. Đây cũng là một quyết định được cân nhắc kỹ lưỡng vì theo tiết lộ của Cục trưởng Đặng Huy Cường, trong thời điểm nắng nóng của miền Nam vừa qua, có những lúc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải huy động cả nguồn điện chạy dầu với giá cao để bảo đảm đủ điện phục vụ sản xuất và tiêu dùng.
Một thông tin đáng lưu ý tiếp theo là dự báo trong cao điểm mùa khô năm nay (từ tháng 4 đến tháng 6), khả năng tình hình cung cấp điện sẽ không căng thẳng vì EVN có thể huy động được sản lượng điện đạt 34 tỷ kWh, thậm chí còn tăng 11% so với năm 2012. Mặt khác, bên cạnh việc cập nhật lại tình hình sử dụng điện, các nguồn điện, điều kiện thủy văn và các hồ chứa điện thì theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, các tập đoàn như Công nghiệp than - khoáng sản, Dầu khí quốc gia… phải bảo đảm vận hành tốt để cung ứng nguyên liệu chạy điện. Theo ông Cường, nếu nguồn chạy than và chạy khí cao hơn kế hoạch thì chưa cần chạy dầu, cũng đồng nghĩa với việc giảm áp lực tăng giá điện.
Với những cam kết và phương án cung cấp điện được vạch ra chi tiết của EVN cũng như cơ quan chức năng, người tiêu dùng điện nói chung có thể tạm yên tâm. Tuy nhiên, để tình hình điện thực sự không căng thẳng như mục tiêu đề ra thì việc sử dụng điện tiết kiệm cũng rất cần được quan tâm. Tiết giảm điện hay cắt điện luân phiên là một biện pháp chẳng đặng đừng khi nguồn điện thiếu hụt, do vậy tiết kiệm điện, chống lãng phí điện là những việc làm mà bất cứ người sử dụng điện nào cũng cần nêu cao trách nhiệm để góp phần giảm tải, giảm áp lực cho nguồn điện.
Chưa tăng giá điện, trước mắt đây là một tin “giảm sốc” cho người tiêu dùng sau khi giá xăng tăng “sốc”. Vấn đề còn lại là, việc điều hành thị trường điện trong thời gian tới cần bảo đảm linh hoạt và hiệu quả, để những “cú sốc” tăng giá không dễ xảy ra, giảm bớt áp lực cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân
QUANG MINH