Kể chuyện lòng dân từ những con đường

Cập nhật: 06-02-2024 | 10:35:44

Mùa xuân mới đang về trên khắp các nẻo đường mang theo bao niềm tin và ước vọng. Có những con đường chạy dài hút tầm mắt, cũng có những con đường chỉ vài trăm mét, thế nhưng tất cả sẽ vững bền theo năm tháng vì đó là những công trình “thuận theo lòng dân, từ lòng dân mà ra”…

Con đường dân hiến

Một ngày đầy nắng, những tia nắng reo vui trong ánh mắt người dân thị trấn Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên, bởi hôm nay, nhiều đoạn đường liên ấp đã được bê tông sạch đẹp. Từ đường ĐT746, đoạn gần UBND thị trấn Tân Thành, chúng tôi rẽ vào đường Tân Thành 44 thăm gia đình ông Phạm Diện (khu phố 3). Con đường bê tông còn sáng màu xi măng vừa mới hoàn thành. Ông Diện cùng nhiều hộ dân ở khu vực này đã hiến đất, cây trồng để làm nên công trình “để đời” của chính họ.

9 giờ sáng, ông Diện lật đật đi bộ từ tiệm cắt tóc về nhà chỉ để khoe với chúng tôi: “Đường vừa mới xong, bà con chúng tôi vui lắm”. Quê gốc ở Quảng Nam, ông Diện vào TP.Hồ Chí Minh sinh sống từ năm 1966. Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, ông Diện lên Bình Dương làm kinh tế mới. Từ mảnh đất hoang, ông miệt mài khai hoang, cải tạo sản xuất. Gần 48 năm ở đây, ông mưu sinh bằng việc trồng cao su và làm thợ cắt tóc. Chỉ tay vào con đường trước mắt, ông Diện nói: “Trước đây, phía trước nhà tôi là mấy chục cây cao su đang trong thời kỳ khai thác mủ. Chặt đi thì cũng tiếc nhưng nghĩ tới con đường bê tông mới thông thoáng, sạch đẹp cho tất cả mọi người cùng đi, tôi chẳng có gì tiếc nuối cả”.

Ông Phạm Diện và nhiều hộ dân khác ở khu phố 3, thị trấn Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên cùng hiến đất để hình thành nên con đường khang trang, sạch đẹp

Bà Nguyễn Thị Xê, vợ ông Diện ngồi gần đó tiếp lời: “Làm đường, chúng tôi là người vui nhất. Chúng tôi đi chứ ai đi!”. Bà Xê kể: “Con đường này trước đây chỉ là một lối đi nhỏ, đường đất. Sau khi được chính quyền vận động làm đường, gia đình tôi đã chặt hạ cao su và hiến hơn 100m2 đất. Không chỉ gia đình tôi, các hộ dân trên con đường này cũng đã phá hoa màu, hiến đất, người ít, người nhiều, tất cả để làm đường vì lợi ích chung, để cho đời con, đời cháu mình sau này thụ hưởng…”.

Khi “ý Đảng, lòng dân” đã hợp, không chỉ phong trào thảm nhựa các tuyến đường giao thông nông thôn, mà các công trình trọng điểm của tỉnh, của quốc gia cũng đã có sự đồng thuận, nhanh chóng được triển khai.

Không chỉ có ông Diện, nhiều nông dân dung dị, mộc mạc như ông Vũ Công Trứ (ấp 4, xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên) cũng không tiếc đất đai, tiền của để xây dựng làng quê ngày càng văn minh, hiện đại. Mái tóc bạc trắng, ông Trứ chống gậy dẫn chúng tôi ra thăm con đường Tân Lập 28 vừa mới hoàn thành cách đây không lâu. Ở tuổi 83, ông còn minh mẫn, phân tích nhiều điều được, mất khi xây dựng con đường này: “Mất đất ai chẳng tiếc, nhưng đổi lại có con đường đẹp thì gia đình chúng tôi ai cũng ủng hộ”.

Ông Trứ kể: “Trước đây, con đường này chỉ là đường đất, mỗi khi trời mưa trơn trợt, nắng thì bụi mù, bà con đi máy cày, xe bò vào sản xuất nông nghiệp rất khó khăn. Năm 2006, chúng tôi cùng một số hộ khác đã dùng máy cày đi khắp nơi xin gạch bể về dặm vá với hy vọng bà con đi lại tiện hơn. Vì thế, ngay khi có chủ trương thi công tuyến đường, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể đã đến vận động thì gia đình tôi đồng ý hiến 109m2 đất”.

Lòng dân đồng thuận

Khi “ý Đảng, lòng dân” đã hợp, không chỉ phong trào thảm nhựa các tuyến đường giao thông nông thôn, mà các công trình trọng điểm của tỉnh, của quốc gia cũng đã có sự đồng thuận. Một ngày cuối năm 2023, có mặt tại đại công trường của Dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh ở Bình Dương (gói thầu nút giao Bình Chuẩn và cầu Bình Gởi), không khí tại đây đang rất tất bật, khẩn trương để bảo đảm đúng tiến độ. Đây là dự án giao thông trọng điểm quốc gia nên công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng được Bình Dương đẩy nhanh tiến độ để trở thành kiểu mẫu cho các dự án khác.

Công trường xây dựng Dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh ở Bình Dương (gói thầu nút giao Bình Chuẩn và cầu Bình Gởi)

Quê ở Nghệ An, hai mẹ con bà Nguyễn Thị Tâm vào Bình Dương lập nghiệp. Nhiều năm qua, bà như con ong thợ lao động cần mẫn để rồi dành dụm mua được mảnh đất hơn 200m2 ở khu phố 9, phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một. Năm 2022, bà lên kế hoạch xây nhà ở thì được biết diện tích đất nằm trong quy hoạch Dự án Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh. Buồn vui lẫn lộn. Buồn vì mảnh đất mình dành dụm bao lâu lại nằm trong ranh quy hoạch. Vui vì nơi đây sắp có con đường lớn.

Theo bà Tâm, trước mắt cuộc sống gia đình sẽ có nhiều đổi thay, nhưng ở đâu cũng được, miễn sao có cái nhà và mảnh vườn canh tác. “Riêng ai thì không biết chứ tôi chấp nhận với giá bồi thường. Xây dựng đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Tôi và gia đình đồng thuận, sẵn sàng giao đất để triển khai thực hiện dự án”, bà Tâm bày tỏ.

Nhất trí với chủ trương xây dựng đường tạo lực nối các huyện Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, bà Hồ Thị Thắng (ấp Đồng Tâm, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo) cũng sẵn sàng bàn giao đất đai để thực hiện dự án. Gia đình bà Thắng là một trong những hộ dân tiên phong di dời nhà cửa, vườn cao su để xây dựng tuyến đường này. Bà Thắng chia sẻ: “Gia đình chúng tôi nghĩ, làm con đường càng to, càng đẹp trước hết là phục vụ lợi ích cho gia đình, cho cộng đồng. Tôi nghĩ đây là điều cần thiết nên rất đồng tình, ủng hộ”…

Một mùa xuân mới đang về, mang theo niềm tin và ước vọng trên các công trình đã và đang xây dựng. Sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh đã, đang tạo nên những mùa xuân ngay từ những con đường…

HUỲNH THỦY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=405
Quay lên trên