Quán cơm hoàn lương

Cập nhật: 06-02-2024 | 11:21:38


Minh họa:
PHƯỚC CHÁNH

Một ngày cuối năm, tôi nhận được điện thoại từ số máy lạ. Khác với nhiều người cảnh giác với số lạ, tôi luôn luôn bắt máy bởi nghĩ rằng có thể là của một người giao hàng nào đó. Thời buổi nhà nhà bán hàng online, người người mua hàng online như thế này, có khi chỉ vì một cú tắt máy lạnh lùng, người giao hàng sẽ đứng sững giữa trưa nắng chẳng biết làm gì cho xong việc cần làm. Và họ bẽ bàng, thậm chí tổn thương biết bao nếu bị từ chối ngang hông như thế.

- A lô, chị… nhà báo hả? Chị nhớ em không?

- Ừ, nghe tiếng hơi quen nhưng thú thật là chị chưa nhận ra ai.

- Em nè. Em Thanh Loan của đội… Juventus mà chị nói đùa nè. Nay em hết ở trỏng rồi, em hoàn lương như chị nói rồi. Em sung sướng rồi. Chị ghé qua quán em nha. Để em có dịp mời chị ăn bữa cơm tết như em đã từng hứa.

- À, ui chao, trời ơi, em làm thiệt như đã nói à? Chị tưởng em nói đùa thôi…

- Đùa gì chị, em nói là làm. Quân tử mà!

Nghe xong điện thoại của Loan, tôi nhăn trán một lúc để nhớ lại gương mặt cô ấy. Nghề viết văn, làm báo cho tôi đi nhiều nơi trong đó có các trại tạm giam, trại giam từ tỉnh tới Bộ Công an. Tôi đến thăm các nữ tù nhân mỗi dịp có buổi sinh hoạt tập thể về những chủ đề, như: Ước mơ hoàn lương, Chắp cánh tương lai, Không bỏ cuộc, Không gục ngã… Tôi cũng đến với họ trong những ngày hội đọc sách, viết thư, sáng tác ngắn về cảm xúc của nữ tù nhân.

Có khi tôi cùng họ hát nghêu ngao, nho nhỏ một vài đoạn trong bài “Tôi ơi đừng tuyệt vọng” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Đừng tuyệt vọng tôi ơi đừng tuyệt vọng/ Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông/ Đừng tuyệt vọng em ơi đừng tuyệt vọng/ Em là tôi và tôi cũng là em”… Những chuyến đi như thế, ngoài chụp ảnh (che mặt, giấu nhẹm nhân thân của họ) tôi còn nói đùa dăm ba câu cho họ vui, khích lệ động viên tinh thần khi hỏi chuyện. “Sớm hoàn lương nha, cuộc sống ngoài kia đẹp lắm!”, là câu chúc mỗi khi tôi chia tay cùng họ. Rồi xong việc có khi tôi quên luôn bởi cuốn theo một chuyến đi khác, một công việc khác. Vậy mà sau 3 năm, Thanh Loan vẫn còn nhớ mà gọi cho tôi.

***

Để khỏi ngỡ ngàng khi gặp lại cô ấy như lời hẹn, tôi vội vàng mở máy tính tìm kho hình cũ chụp lại các chị em áo số nhưng là “của đội Juventus” trong một lần ghé trại giam của Bộ Công an. Đó cũng là câu tôi hỏi đùa mà Thanh Loan đã cười ngất hôm đó và nói chị vui tính quá ha.

À, cô ấy đây rồi. Dáng người cao dong dỏng, cổ cao ba ngấn quý phái, tóc búi cao cũng… quý phái luôn. Và khi tôi hỏi Thanh Loan làm gì để phải vô đây gia nhập đội bóng nữ Juventus thế này, cô cười nói: “Tiêu thụ xe máy từ đội quân… đá nóng. Sau đó thấy ngon ăn quá tổ chức đá nóng luôn. Em bị kêu án 7 năm. À, em nấu ăn rất ngon nha chị. Đặc biệt là các món cho ngày tết như khổ qua dồn thịt, thịt kho hột vịt, bánh chưng ăn kèm dưa hành… Mai mốt em ra tù cỡ nào em cũng sẽ mời chị một bữa”. Hôm đó Thanh Loan “bẻ lái” câu chuyện ngon ơ từ hành vi phạm tội sang một nội trợ toàn tâm toàn ý lúc nào không biết. Câu chuyện của cô thật say sưa và hồn nhiên như chính bản năng của phụ nữ chỉ là luôn mong mình có một góc nhỏ trong tổ ấm thật bình yên. Để vào được trại giam phạm nhân nữ, tôi phải bỏ lại điện thoại, giỏ xách từ ngoài cổng, chỉ mang được máy ảnh vào bên trong và tất nhiên lúc nào cũng có cán bộ quản giáo bên cạnh. Nên khi Thanh Loan hỏi xin số điện thoại, tôi nói chị không có viết làm sao ghi số cho em? Chị cứ nói đi, em nhớ. Tôi nói đại số điện thoại của mình như một phép xã giao và nghĩ rằng cô sẽ quên ngay lập tức sau khi nghe. Bởi tôi cũng như thế. Tôi không giỏi nhớ mấy con số. Vậy mà cô đã nhớ số và gọi, trong sự ngạc nhiên của tôi.

Khá phân vân và hồi hộp cho cuộc hẹn với Thanh Loan bởi dù sao cô cũng là một người có tiền án tiền sự, có “số má” như cách mà cánh nhà báo nội chính hay nói với nhau nhưng tôi vẫn bị lời mời của cô… rủ rê. Dường như trong lần gặp ngắn ngủi với tôi trong trại giam cô muốn nói thật nhiều mà thời gian không cho phép. Tôi nhớ ánh mắt của Thanh Loan khi đọc từng trang sách mà chúng tôi bày ra ở phòng đọc. Tôi nhớ ánh mắt ngước lên nhìn bầu trời từ khung cửa sổ nhỏ ở phòng sinh hoạt tập thể mà cán bộ quản giáo bố trí cho tôi hỏi chuyện những người đang thụ án như Thanh Loan. Con người mà, ai cũng có cả một kho chuyện cần tâm sự. Cứ đi gặp coi cổ sẽ cho mình ăn ngon cỡ nào và kể câu chuyện cuộc đời như thế nào…

“Chị nhớ ghé em nghe, khi nào cũng được. Nay em bán quán cơm ở...”. Theo chỉ dẫn của Loan, tôi lái xe đi gặp cô vào một ngày cuối năm. Hơn 50 cây số đường trường, một số đoạn qua vườn cao su đang mùa thay lá lại làm tôi chồn chân bởi bao lo lắng. Nhưng rồi tôi vẫn đi tiếp trong sự tò mò mà có lẽ người làm nghề viết ai cũng có như tôi. Rừng cao su mùa này đang trút hết những chiếc lá khô, già cũ để thay một lớp áo mới xanh tươi, mơn mởn vào mùa xuân. Một vài đoạn, nghe lá lạo xạo dưới bánh xe rất vui tai. Tôi cứ vừa đi, vừa nghĩ như thế thì đã đến quán cơm của Loan ở ven đường tại một ngã ba thị trấn.

***

Tôi vừa xuống xe, Thanh Loan đã vội vã chạy ra đón. Cô vẫn còn mang tạp dề, tay cầm cái vá dài loại dùng để xới cơm. Gương mặt sáng trưng, hớn hở. Đang giữa buổi sáng nên quán vắng. Tôi liếc nhìn sơ trong quán, có khoảng chục bộ bàn nhỏ. Nhìn cái bảng hiệu tên quán cơm Thanh Loan - Hoàn lương (chữ hoàn lương viết nhỏ hơn với nét viết kiểu rất chân phương), tôi cười: “Sao em không đổi tên mình từ Thanh Loan ra Hường Loan rồi đặt cái tên Hường Loan - Hoàn Lương cho nó ấn tượng?”. Đó, chị cứ hay nói đùa vậy mà em “ấn tượng” chị từ hôm đó đó, chị và nhiều thầy cô trong trại đã cho em thấy cuộc đời này không còn u ám, không suy nghĩ tiêu cực nữa và cố gắng cải tạo tốt, được ra tù sớm gần 2 năm so với án ban đầu. Hỏi sao hôm đó em nhớ số điện thoại của chị, cô ấy nói em cứ lẩm bẩm trong đầu riết thì nhớ thôi.

Pha cho tôi ly nước chanh mát lạnh, Thanh Loan trở vào bếp căn dặn nhân viên của quán làm tiếp công việc đang dở dang rồi ngồi nói chuyện cùng tôi.

Cô kể như một sự giải bày tâm sự bị dồn nén bao lâu nay mới được cởi bỏ, như một cách để trút đi cái kén nặng nề bao lâu nay ôm lấy, bó chặt để bay lên thật nhẹ nhàng. Cô kể mẹ cô có 5 người con, ai cũng giỏi giang, thành đạt. “Xưa mẹ em nấu ăn ngon có tiếng trong vùng. Nhà ai có đám tiệc cũng mượn mẹ nấu. Ba mất sớm, mẹ sống một mình và làm việc gấp đôi để nuôi đàn con. Cạo mủ cao su, nấu đám tiệc và sau này mở mấy quán cơm cho các chị nối nghiệp mẹ, cuộc sống của gia đình em cứ êm ấm như bao gia đình khác. Em là con út, được cưng chiều cho đi học hết đại học rồi lấy chồng. Ngày cưới của em, mẹ cười nói đã hoàn thành nhiệm vụ và có thể yên tâm khi gặp ổng. Mẹ em rất hay nói chuyện về gặp lại ba em ở thế giới bên kia. Em không hiểu vì sao luôn…”. Thanh Loan cứ kể và kể, nói và nói cho đến khi cô nghẹn lại và nói về lỗi lầm của mình. Cô kể mọi chuyện trong gia đình cứ êm ấm như thế cho đến khi cô bị chồng mình phản bội. Anh ta lấy hết tất cả tài sản và đi theo một phụ nữ khác. Để trả thù, cô cũng lao vào ăn chơi, hẹn hò với người này người khác và giấu nhẹm tình cảnh của mình không cho gia đình biết. Khi túng thiếu, cô lấy trộm xe của bạn đem bán tiêu xài. Người chồng hờ sau này của Thanh Loan lại là một tay anh chị nên cô vướng vào đường dây “đá nóng” xe máy hồi nào không hay. Ngày cô bị bắt, cả nhà mới biết và tìm cách giúp cô khắc phục hậu quả, động viên an ủi cô cải tạo tốt để cả nhà lại đón đứa em út tr ở về.

“Em không quên được cảnh mẹ em đã khóc ngất khi chứng kiến cảnh con gái bị đưa đi tạm giam. Điều ân hận nhất của em là ngày mẹ mất, em không có mặt. Các chị em nói mẹ vẫn nhắc đến em suốt và bắt các anh chị hứa không bỏ rơi em một lần nữa, bắt các anh chị thay mẹ đón em về rồi từ bỏ con đường cũ, lo làm ăn đàng hoàng. Ngày em về, em đến thẳng bên mộ mẹ, xin lỗi ba mẹ và hứa sẽ hoàn lương, trở lại cuộc sống bình thường, làm ăn lương thiện sau một thời gian lầm lỡ và phải trả giá”.

Quán ăn dần đông người. Đó là những tài xế xe tải đang vội vàng chở những chuyến hàng cuối cùng, là chủ những quán nước, cửa hàng tạp hóa, đồ gia dụng, cửa hàng bán điện thoại gần đó. Có nhiều người vừa gọi đồ ăn vừa đùa: “Bà hoàn lương cho tui thêm một trái khổ qua dồn thịt coi! Sao nay bà làm ngon quá à, ăn một trái chưa đã!”. Có người nói nếu bà bán quán cơm sớm vài năm thì giàu rồi chớ khá gì nổi. Tôi lặng lẽ quan sát và mừng cho Thanh Loan.

Vãng khách, quá trưa, Thanh Loan dọn ra mâm cơm đãi tôi đúng những món em đã hứa. Đó là một mâm cơm tất niên ấm cúng với các món ăn truyền thống của ngày tết cổ truyền. Mâm cơm có khổ qua dồn thịt, có thịt kho hột vịt ăn kèm dưa giá trộn mít non, có bánh chưng xanh với củ kiệu, dưa hành… Bất giác Thanh Loan mắt rưng rưng nói: “Không ngờ đời em chỉ vì buồn khi bị chồng bỏ rơi mà mất hết mấy cái tết bên mẹ, bên người thân. Thật là không đáng chút nào. Nếu như em bản lĩnh hơn, biết suy nghĩ thấu đáo mọi chuyện hơn…”. Cô ngừng nói giữa chừng, nén lại lời nói và cũng nén luôn giọt nước mắt chực rơi.

Tôi đặt tay lên vai Loan và an ủi cô. Tôi nói, chị thích cách em cười và ngước lên nhìn bầu trời bên cửa sổ phòng đọc sách hôm đó. Em lại ngước nhìn bầu trời đi, nhìn hàng cây cao su phía xa xa đang thay lá mới đi và nhìn đất trời vào xuân nữa nha em… Chữ hoàn lương nó cũng đẹp và tươi mới như vậy đó. Nó có màu xanh của lá, màu rực rỡ của hoa và màu hy vọng cho một tương lai tốt đẹp hơn những ngày xưa cũ…

Truyện ngắn: TRẦN QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1824
Quay lên trên