Nông nghiệp chuyển hướng công nghệ cao

Cập nhật: 08-02-2021 | 16:34:26

Song song với quá trình xây dựng nông thôn mới, Bình Dương đã lồng ghép những chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với công nghiệp chế biến các sản phẩm nông sản.


Trang trại chăn nuôi gia cầm ở Bắc Tân Uyên. Ảnh: XUÂN THI

Nâng cao giá trị

Thời gian qua, tỉnh đặc biệt quan tâm và tập trung dành nguồn lực lớn để đầu tư cho phát triển mô hình sản xuất, lấy người nông dân làm chủ thể thực hiện, Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ để người nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Ngoài ra, tỉnh tập trung xây dựng cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, đồng thời đã xây dựng và triển khai dự án mỗi xã, phường một sản phẩm.

Anh Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (xã An Bình, huyện Phú Giáo), cho biết nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến trồng dưa lưới trong nhà kín nên sản phẩm của HTX đạt được chất lượng cao và được công nhận đạt chuẩn VietGAP, tiêu thụ ổn định trên thị trường cả nước. “Nếu so với trồng cao su và điều thì thu nhập từ trồng dưa lưới tính trên 1 ha cao gấp hàng chục lần. Nhờ ƯDCNC đã giảm thiểu nhiều rủi ro ảnh hưởng từ dịch bệnh, khí hậu, năng suất tăng lên 30% so với canh tác truyền thống. Các hộ nông dân trong HTX đa số trước đây là công nhân cạo mủ cao su, từ khi chuyển qua làm việc tại HTX Kim Long đã có thể linh hoạt được thời gian và kiếm được lợi nhuận dao động từ 500 - 600 triệu đồng/năm/hộ”, anh Quyết chia sẻ.

Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn, bảo đảm chất lượng trên thị trường đang rất lớn, chị Nguyễn Như Ngọc ở ấp Đất Đỏ, xã An Lập đã đầu tư trên 1,2 tỷ đồng để xây dựng hệ thống nhà màng trồng dưa lưới trên diện tích 4.400m2. Với mô hình này, chị có thể trồng được 3 - 4 vụ mỗi năm mà không phụ thuộc vào tác động của môi trường và biến đổi thời tiết. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm một nhà màng, chị Ngọc có lãi từ 35 - 40 triệu đồng/vụ; tính tổng số vụ gieo trồng trong năm chị có lợi nhuận hơn 400 triệu đồng.

Có thể khẳng định nông nghiệp ƯDCNC, nông nghiệp sạch, nông sản hữu cơ theo tiêu chuẩn Organic, VietGAP, GlobalGAP đang và sẽ là hướng đi tất yếu trong sản xuất nông nghiệp của người dân; từ đó góp phần thay đổi diện mạo mới cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà.

Đồng bộ các giải pháp

Trong giai đoạn 2017-2020, tỉnh đã thực hiện cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ƯDCNC, phát triển các vùng chuyên canh cây cao su, cây ăn trái đặc sản, rau an toàn, gắn với chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị… Đến năm 2020, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp đô thị của tỉnh đạt gần 150 ha; tổng diện tích ƯDCNC đạt 5.345 ha, với các loại cây trồng có giá trị, như: Rau, nấm, cây ăn trái, hoa lan, cây cảnh…

Tính đến nay, toàn tỉnh có 75 cơ sở sản xuất được cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt với tổng diện tích khoảng trên 450 ha. Qua đó, giá trị bình quân sản xuất nông nghiệp đạt gần 100 triệu đồng/ha/ năm; một số mô hình trồng bưởi ƯDCNC có thu nhập bình quân trên 1 tỷ đồng/ha/năm.

Bên cạnh hiện đại hóa quy trình trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi cũng có bước chuyển dịch mạnh mẽ từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại tập trung ƯDCNC, liên kết theo chuỗi, bảo đảm an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Hiện nay, chăn nuôi ƯDCNC sản xuất ổn định với 142 trang trại đầu tư chăn nuôi gà giống, gà đẻ trứng và gà thịt với tổng đàn gần 8,1 triệu con; chăn nuôi heo thịt, heo giống chất lượng cao có 154 trang trại với tổng đàn gần 518.000 con... Nhiều công ty, trang trại và hộ gia đình mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại, dây chuyền sản xuất tiên tiến đạt tiêu chuẩn châu Âu vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết trong thời gian tới, ngành tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu ngành theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ƯDCNC, sản xuất quy mô lớn gắn với lợi thế và thị trường. Đồng thời, tiếp tục tập huấn tuyên truyền các chính sách phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ƯDCNC trên địa bàn tỉnh đến người sản xuất. Cùng với đó, xây dựng thương hiệu nông sản, chuỗi liên kết, truy xuất nguồn gốc xuất xứ để đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng có lợi thế.

Cùng với đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông nghiệp ƯDCNC cần phải đầu tư chuyển dần sang chế biến để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, qua đó, tạo thương hiệu bền vững. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp, ngành sẽ đẩy mạnh đào tạo nghề nông cho nông dân, thông qua các khóa đào tạo này cung cấp cho nông dân kiến thức, kỹ năng để thực hành sản xuất nông nghiệp hiện đại, giúp họ thay đổi kỹ năng sản xuất, hình thành tư duy thị trường, năng lực tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất.

Hiện nay, Bình Dương có 4 khu nông nghiệp công nghệ cao gồm Khu nông nghiệp công nghệ cao Tiến Hùng (huyện Bắc Tân Uyên); Khu nông nghiệp công nghệ cao tại xã Tân Hiệp và Phước Sang (huyện Phú Giáo); Khu nông nghiệp công nghệ cao tại phường Vĩnh Tân (TX.Tân Uyên) và Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái (huyện Phú Giáo). Trong đó, nổi bật là Khu nông nghiệp ƯDCNC An Thái (Unifarm) do Công ty Cổ phần đầu tư U&I làm chủ đầu tư với tổng diện tích thực hiện dự án trên 410 ha.

THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên