Bắt nhịp tăng trưởng

Cập nhật: 11-11-2021 | 08:29:11

Kể từ khi chuyển sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”, các hoạt động kinh tế - xã hội của Bình Dương đã từng bước được khôi phục trở lại trong trạng thái “bình thường mới”. Điều hết sức đáng mừng là sau khoảng thời gian đầy khó khăn, thách thức do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tình hình phát triển kinh tế - xã hội đã có những tín hiệu hồi phục rõ nét. Điều này sẽ tạo cơ sở để địa phương nỗ lực phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu phát triển đã đề ra trong năm 2021.

 Tại phiên họp trực tuyến của UBND tỉnh với UBND các huyện, thị, thành phố trong tỉnh hôm qua (10- 11), theo báo cáo của UBND tỉnh, bức tranh kinh tế - xã hội trong tháng 10 đã có những chuyển biến tích cực với nhiều điểm sáng. Đặc biệt, các chỉ số quan trọng về sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, kim ngạch xuất nhập khẩu, thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công... đều tăng cao so với tháng 9. Đây có thể coi là những tín hiệu tích cực đánh dấu sự hồi phục đáng ghi nhận của nền kinh tế địa phương sau khi trải qua khoảng thời gian bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Hơn thế nữa, trong những điểm sáng của bức tranh kinh tế - xã hội tại địa phương, đáng chú ý là lũy kế chỉ số sản xuất công nghiệp tính đến tháng 10 năm nay đã tăng 3,2% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước tại Bình Dương đã phát huy ý chí tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực duy trì phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh, bảo đảm đời sống, việc làm cho người lao động. Đồng thời, sự tăng trưởng của chỉ số sản xuất công nghiệp còn cho thấy các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh đối với cộng đồng doanh nghiệp đã thật sự phát huy tác dụng.

Thời gian qua, để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều chính sách thiết thực đã được ban hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa; đặc biệt là các chính sách về cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn, miễn giảm tiền thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp tiền thuê đất, giảm giá điện… Bên cạnh đó, Trung ương và địa phương đã quyết liệt chỉ đạo việc rà soát, cắt bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết nhằm giảm chi phí, thủ tục cho doanh nghiệp; khơi thông mọi nguồn lực cho các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh…

Có thể nói, chủ trương “Thích ứng an toàn, linh hoạt vàkiểm soát hiệu quảdịch bệnh Covid-19” cũng như các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn được ban hành rất kịp thời. Những chủ trương, chính sách này đã tác động tích cực, góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp, từng bước đưa kinh tế của địa phương hồi phục và bắt nhịp tăng trưởng trở lại.

ĐÀM THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=554
Quay lên trên