Bỏ hay không bỏ?

Cập nhật: 06-08-2013 | 00:00:00

 Tham gia diễn đàn tuy vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng đa số nghiêng theo hướng nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Chia sẻ vấn đề này, một bạn đọc cho rằng ý kiến của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan rất đúng với tình hình thực tế hiện nay và hợp lòng dân. Hiệu quả kỳ thi tốt nghiệp THPT mang lại so với chi phí mọi mặt của Nhà nước cũng như tiền bạc, công sức của phụ huynh, học sinh bỏ ra là rất thấp. Ngược lại, một bạn đọc khác cho rằng, không nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT mà phải thắt thật chặt kỳ thi này mới đem lại hiệu quả về mặt chất lượng giáo dục. Bạn đọc này còn cam đoan trên cả nước hiện có đến hơn 50% trường THPT chưa thật nghiêm túc trong kỳ thi tốt nghiệp mà vẫn còn chạy theo thành tích!

Việc bỏ hay không bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện còn nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, tất cả những ý kiến đóng góp cho vấn đề này thiết nghĩ chỉ là phần ngọn, còn cái gốc sâu xa của vấn đề mà Phó Chủ tịch nước muốn dẫn dắt là: “Tại sao đất nước chậm đổi mới và nguy cơ tụt hậu trong khi số học sinh ra trường ngày một đông, lượng tiến sĩ ngày một tăng? Phải chăng chúng ta đang lãng phí một nguồn lực về giáo dục đào tạo dù đã có đủ chủ trương, nghị quyết?...”. Đây mới là vấn đề mà những người làm công tác giáo dục nước nhà cần suy nghĩ, bởi số học sinh ra trường đông, lượng tiến sĩ ngày một tăng nhưng liệu có được trọng dụng hay phải đầu quân sai chỗ theo kiểu “chảy máu chất xám”?

Theo số liệu thống kê, có khoảng 70% sinh viên du học không trở về nước sau khi tốt nghiệp. Còn trong nước, có bao nhiêu sinh viên ra trường được cống hiến tài năng cho cơ quan Nhà nước hay phải đầu quân cho những công ty nước ngoài? Mặc dù không có con số thống kê cụ thể, nhưng chúng ta biết chắc rằng số SV ra trường hàng năm tìm được việc làm trong các cơ quan Nhà nước là rất ít. Do vậy, cái cần chính là một cơ chế, chính sách đủ hấp dẫn để thu hút những giáo sư, tiến sĩ hiện đang ở lại các nước trên thế giới trở về phục vụ đất nước; thu hút cho được những sinh viên giỏi đầu quân cho những cơ quan Nhà nước.

Bỏ hay không bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT là chuyện lớn, ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục của cả đất nước, cần được nghiên cứu sâu và có lộ trình cụ thể. Nếu cần, Bộ Giáo dục - Đào tạo phải xây dựng đề án để lấy ý kiến nhân dân trước khi quyết định.

 LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=281
Quay lên trên