Trong lộ trình xây dựng quốc gia số, Chính phủ điện tử và chính quyền số, Trung tâm điều hành thông minh (IOC) được xem là “bộ não số” đóng một vai trò vô cùng quan trọng để việc chỉ đạo, điều hành được hiệu quả, thông suốt. Với việc ra mắt IOC sẽ góp phần đưa Bình Dương sớm hoàn thành mục tiêu đề ra là phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; phấn đấu đến năm 2030 Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước.
IOC được ra mắt vào đúng dịp kỷ niệm 25 năm Bình Dương xây dựng và phát triển là sự kiện vô cùng ý nghĩa. Đây cũng là thời điểm tỉnh đang phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Tạp chí Cộng sản tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: Thành tựu và triển vọng” nhằm đúc kết lại thực tiễn trong 25 năm qua để hoạch định chiến lược phát triển Bình Dương trong thời gian tới. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, quá trình đô thị hóa và chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng, nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, khắc phục những bất cập để đưa Bình Dương phát triển lên tầm cao mới, những năm qua Bình Dương đã kịp thời triển khai xây dựng đề án thành phố thông minh và đã đạt được những hiệu quả bước đầu.
Trong hệ thống nền tảng của đô thị thông minh, không thể thiếu vắng IOC. Bởi, đây là nơi tổng hợp tất cả các nguồn thông tin, dữ liệu của đô thị trên tất cả các lĩnh vực, qua đó giúp lãnh đạo giám sát, điều hành; hỗ trợ chỉ huy, quản lý chất lượng dịch vụ đô thị một cách tổng thể; phân tích dữ liệu lớn và hỗ trợ ra quyết định nhằm bảo đảm thời gian và cải thiện cung cấp dịch vụ phục vụ cho người dân và doanh nghiệp. Cụ thể hơn là thông qua IOC sẽ giúp tỉnh giám sát, điều hành hiệu quả hơn về các chỉ tiêu kinh tế - xã hội; chỉ tiêu báo cáo, thống kê; giám sát hiệu quả hoạt động của chính quyền; giám sát quản lý, sử dụng đất đai; giám sát, điều hành an ninh trật tự công cộng; an toàn giao thông; tương tác, giao tiếp phục vụ người dân, doanh nghiệp; giám sát chất lượng môi trường; giám sát, điều hành lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch...
Từ các tính năng, dịch vụ của IOC cũng sẽ giúp tăng tính tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền, từ đó góp phần tăng cường mức độ hài lòng đối với hoạt động của chính quyền. IOC cũng sẽ giúp chính quyền sớm chuyển đổi mô hình quản trị, kết nối được sức mạnh của các cơ quan quản lý nhà nước để phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn.
K.TÂN