Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Vienna, Áo. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ngày 11/5, Chính phủ Áo công bố gói hỗ trợ 500 triệu euro (khoảng 541 triệu USD) cho ngành kinh doanh ăn uống nhằm thúc đẩy tiêu dùng và giảm bớt gánh nặng nợ nần của các chủ nhà hàng và quán rượu.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cho biết các cơ sở kinh doanh ăn uống có thể mở cửa trở lại vào ngày 15/5 tới theo như kế hoạch trong bối cảnh số ca mới mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này đang ở mức thấp.
Gói hỗ trợ 500 triệu euro này nằm trong quỹ hỗ trợ 38 tỷ euro (khoảng 41 tỷ USD) của Chính phủ Áo nhằm làm giảm tác động của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế nước này.
Cũng tại cuộc họp báo này, Bộ trưởng Du lịch Elisabeth Koestinger cho biết bắt đầu từ ngày 1/7 tới, thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với đồ uống không cồn sẽ được giảm xuống mức thấp nhất là 10%, thuế đối với rượu vang sủi bọt sẽ được hủy bỏ trong khi mức giảm thuế sẽ tăng từ 255.000 euro (khoảng 276.000 USD) lên 400.000 euro (khoảng 433.000 USD) đối với các quán bar và nhà hàng.
Bà Koestinger cho biết gói hỗ trợ ngành kinh doanh ăn uống này sẽ mang lại lợi ích cho 41.000 doanh nghiệp và 145.000 nhân viên trên cả nước.
Theo kế hoạch của Chính phủ liên bang, các quán bar và nhà hàng ở Áo sẽ được phép mở cửa từ 6 đến 23 giờ hàng ngày, bắt đầu từ ngày 15/5 tới, song thực hiện các biện pháp hạn chế như nhân viên phục vụ phải đeo khẩu trang và mỗi bàn ăn chỉ có tối đa là 4 thực khách.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Bulgaria Kiril Ananiev thông báo cho phép mở cửa lại các cơ sở văn hóa và tổ chức các sự kiện văn hóa ngoài trời.
Theo đó, các bảo tàng trong nhà hoặc ngoài trời, thư viện và phòng trưng bày sẽ được phép mở cửa, song phải tuân thủ giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Các buổi hòa nhạc và các sự kiện văn hóa khác ở sân khấu ngoài trời cũng được phép tổ chức song với lượng khán giả chỉ được phép chiếm tới 30% sức chứa tối đa và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch. Rạp chiếu phim cũng được phép mở cửa với số khán giả chiếm tới 30% sức chứa của rạp.
Các hoạt động văn hóa đời sống của Bulgaria đã bị ngừng lại kể từ ngày 13/3 vừa qua khi nước này áp đặt tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Tính đến thời điểm hiện tại, Bulgaria ghi nhận 1.981 ca mắc COVID-19, trong đó có 91 ca đã tử vong.
Còn tại Gruzia, Chính phủ nước này đã dỡ bỏ phần lớn các hạn chế đối với hoạt động kinh tế được áp đặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Cụ thể, hoạt động sản suất và thương mại được phép nối lại, ngoại trừ các trung tâm mua sắm lớn và các nhà bán lẻ quần áo.
Thủ đô Tbilisi của Gruzia cũng dỡ bỏ lệnh cấm các phương tiện ra vào thành phố này vốn được áp đặt kể từ giữa tháng Tư vừa qua.
Chính phủ Gruzia cho biết nước này sẽ mở cửa cho du khách nước ngoài từ ngày 1/7 tới trong khi du lịch nội địa sẽ được nối lại hoạt động vào giữa tháng Sáu tới. Tuy nhiên, các nhà hàng, quán càphê và các cơ sở giáo dục vẫn đóng cửa vào thời điểm này, các hoạt động giao thông công cộng vẫn chưa được nối lại.
Gruzia đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và ban bố lệnh giới nghiêm vào ban đêm, đóng cửa toàn bộ hoạt động kinh doanh không thiết yếu nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Các biện pháp này sẽ vẫn có hiệu lực cho đến ngày 22/5 tới.
Cho đến nay, Gruzia ghi nhận 638 ca mắc COVID-19 và 11 ca tử vong./.
Theo TTXVN