Quy hoạch đóng vai trò đặc biệt quan trọng, đi trước mở đường, mang tính dẫn dắt trong việc tạo ra bức tranh tổng thể về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh của một địa phương, một khu vực và rộng hơn là một quốc gia. Quy hoạch tạo ra sự hài hòa, gắn kết giữa các địa phương với nhau trong một tỉnh, giữa các tỉnh, thành trong một khu vực và giữa các khu vực trong một quốc gia; đưa ra những mũi nhọn trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội mà mỗi địa phương, tỉnh thành và khu vực phải đảm nhận.
Qua hơn 25 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương đã đạt một số thành tựu, trở thành mô hình phát triển của cả nước trong giai đoạn đổi mới. Tuy nhiên, Bình Dương vẫn đang đối mặt với một số thách thức cần có giải pháp tháo gỡ nhằm khơi thông nguồn lực, tạo động lực tổng thể để tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới. Những thách thức mà Bình Dương đang đối mặt là kết nối vùng bị tắc nghẽn, cơ cấu kinh tế dịch vụ tỷ trọng chưa tương xứng, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, sản xuất còn thâm dụng lao động và đất đai. Bên cạnh những thách thức nói trên, về không gian lãnh thổ và hạ tầng phát triển chưa đáp ứng theo tầm nhìn dài hạn; giá trị tài nguyên văn hóa, sinh thái đang bị lãng quên; môi trường xã hội tiềm ẩn nhiều rủi ro…
Để giải quyết các vấn đề còn tắc nghẽn nêu trên, quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng đến mục tiêu khơi thông nguồn lực, tạo động lực phát triển trong thời kỳ mới. Quy hoạch đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, Bình Dương phát triển theo mô hình thành phố trực thuộc Trung ương, là cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước; tiên phong trong chuyển đổi mô hình phát triển, hướng tới các ngành công nghiệp hiện đại và dịch vụ chất lượng cao dựa trên hạt nhân là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh.
Về định hướng không gian phát triển, khu vực trung tâm Bình Dương, bao gồm TP.Thủ Dầu Một, TX.Bến Cát, TP.Tân Uyên với hạt nhân là Thành phố mới Bình Dương tiếp tục được quy hoạch để trở thành vùng đổi mới sáng tạo, vùng lõi của một đô thị thông minh. Khu vực phía Nam gồm TP.Thuận An, TP.Dĩ An và một phần TP.Tân Uyên là trung tâm cửa ngõ của Bình Dương kết nối TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai và cảng biển, đầu mối kết nối giao thông trong vùng. Khu vực TX.Bến Cát, huyện Bàu Bàng sẽ là “thỏi nam châm” thu hút người dân đến sinh sống với định hướng là đô thị hiện đại bao gồm hạ tầng nhà ở, dịch vụ chất lượng cao, hệ thống y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc tế...
Nói chung, trong phạm vi một tỉnh, quy hoạch định hướng phát triển cho từng ngành, từng lĩnh vực, địa phương, đáp ứng thực tiễn phát triển chung của tỉnh trong một giai đoạn, phù hợp với quy hoạch vùng và quy hoạch tổng thể quốc gia. Để quy hoạch thực sự trở thành “cẩm nang” dẫn dắt mở đường cho sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới, việc xây dựng quy hoạch không chỉ mang tính khoa học mà còn phải chỉn chu, tỷ mỉ. Do vậy, việc tổ chức lấy ý kiến các ngành, lĩnh vực, địa phương, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các nhà khoa học, chuyên gia là hết sức cần thiết
LÊ QUANG