Nhiều doanh nghiệp (DN) ở Bình Dương đã có các hoạt động quan tâm đến sức khỏe sinh sản (SKSS) cho lao động nữ. Song hoạt động này vẫn còn nhiều khó khăn nhất định, cơ bản mới dừng lại ở tuyên truyền, nâng cao nhận thức. Vì vậy, việc chăm sóc sức khỏe nói chung, SKSS nói riêng cho lao động (LĐ) nữ cần nhiều chương trình thiết thực hơn để nâng cao kiến thức SKSS cho LĐ nữ.
Sản phụ sinh tại Trung tâm Y tế TX.Thuận An. Ảnh: QUỲNH NHƯ
Trong những năm qua, Bình Dương đã đón nhận nhiều LĐ trẻ từ mọi miền đất nước đến làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó LĐ nữ chiếm khá đông. Thời gian qua, các cấp công đoàn, DN trong tỉnh đã chú trọng đến việc chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là SKSS cho nữ công nhân LĐ với nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể như hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức về giới, chăm sóc SKSS, xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con tốt. Điển hình như Công ty điện tử Foster, Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam… Nhưng với số lượng nữ LĐ ở một số DN khá đông, trong khi việc khám SKSS, tuyên truyền về an toàn tình dục chỉ tổ chức một vài buổi thì vẫn chưa “căn cơ” và giải quyết thấu đáo.
Một thực tế là nhiều LĐ nữ còn rất mơ hồ những kiến thức về an toàn tình dục hay SKSS. Những lúc cần khám phụ khoa hay khám thai, các chị thường đến phòng mạch tư để khám cho đỡ mất thời gian, ít thủ tục phiền hà và “kín đáo” để khỏi ai biết. Tình trạng nạo phá thai không an toàn và có những điều đáng tiếc xảy ra. Chị T., công nhân làm việc tại KCN Sóng Thần cho biết, cũng như bạn bè, chị T. rất cần những buổi tư vấn về SKSS. Chị T. lập gia đình và khi có thai, vợ chồng chị rất mừng nhưng do thiếu thông tin về SKSS nên chị bị sẩy thai.
Đợt khảo sát vừa qua tại các DN về đời sống người LĐ và SKSS cho LĐ nữ, ông Trịnh Đức Tài, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, cho biết một số DN ngành may, da giày có số LĐ nữ chiếm hơn 80%. Đây là những đối tượng mà các ngành chức năng cần quan tâm trong việc chăm sóc sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ, SKSS cho LĐ nữ. Tại Công ty điện tử Foster, lực lượng LĐ nữ chiếm gần 12.000 người và 7.000 trẻ từ 6 tuổi trở xuống. Như vậy, hàng năm có khoảng 700 LĐ nữ thai sản cần được chăm sóc, theo dõi đúng, đủ theo chế độ chăm sóc SKSS. Với lực lượng LĐ nữ đông, công ty đã chủ động khám sức khỏe định kỳ cho chị em. Qua đó, giúp LĐ nữ bảo đảm sức khỏe, yên tâm lao động sản xuất.
Trong quá trình khảo sát, đoàn cũng thấy được hạn chế của các DN trong việc chăm sóc SKSS cho công nhân nữ. Cụ thể, các DN có phòng y tế nhưng thiếu bác sĩ; những điều dưỡng, y tá còn hạn chế về trình độ chuyên môn. Đoàn cũng ghi nhận và đề nghị các DN cần tăng cường bác sĩ đi thăm khám ban đầu, khám định kỳ cho LĐ nữ theo quy định của pháp luật.
Bác sĩ Vũ Thị Kim Tính, Chủ tịch Hội Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, cho biết việc chia sẻ những kiến thức xung quanh các vấn đề bệnh lây truyền qua đường tình dục, biện pháp tránh thai, dinh dưỡng cho bà mẹ đang mang thai… là điều quan trọng đối với LĐ nữ. Điều này không thể nói chung chung được mà mỗi người gặp thắc mắc, những khó khăn riêng họ cần được lắng nghe và tư vấn kỹ lưỡng. Một khi nữ công nhân nắm rõ về kiến thức SKSS, họ sẽ tự chăm sóc bản thân và gia đình tốt hơn.
Q.NHƯ