Căng thẳng tiếp diễn trên bán đảo Triều Tiên

Cập nhật: 12-03-2013 | 00:00:00

Theo giới phân tích, việc Triều Tiên tuyên bố hủy bỏ Hiệp định đình chiến làm gia tăng nguy cơ đụng độ tại khu vực này.

Tình hình bán đảo Triều Tiên tiếp tục là tâm điểm tại khu vực Đông Bắc Á khi Hàn Quốc và Mỹ bắt đầu tiến hành cuộc tập trận chung “Giải pháp then chốt" và Mỹ cùng các đồng minh phương Tây thông báo áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với CHDCND Triều Tiên.

 Quân đội Triều Tiên sẵn sàng cho cuộc chiến Trong khi đó, phía Triều Tiên cũng chính thức tuyên bố hủy bỏ Hiệp định đình chiến ký vào cuối cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953. Theo giới phân tích, điều này làm gia tăng nguy cơ đụng độ tại khu vực vốn đã nóng bỏng này.

Trong bài phát biểu tại Hội châu Á ở thành phố New York, Cố vấn An ninh quốc gia của Nhà Trắng Tom Donilon cho biết, các biện pháp trừng phạt mà Bộ Tài chính Mỹ sẽ áp đặt là nhằm vào ba quan chức lãnh đạo của Ngân hàng Ngoại thương Triều Tiên (FTB) cùng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế thứ hai của Triều Tiên Paek Se-Bong.

Những quan chức này bị Mỹ xác định là có liên hệ tới các vụ chuyển tiền, vi phạm lệnh cấm mà Liên Hợp Quốc (LHQ) đã áp đặt liên quan tới chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Triều Tiên. Theo lệnh trừng phạt, các công ty và cá nhân Mỹ bị cấm giao dịch, làm ăn với Ngân hàng Ngoại thương Triều Tiên và các quan chức này.

Ông Tom Donilon nói: “Mỹ không chấp nhận CHDCND Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân và cũng không khoanh tay đứng nhìn nước này phát triển loại tên lửa trang bị hạt nhân có thể tấn công vào nước Mỹ”. Theo ông, Washington luôn sẵn sàng nối lại đàm phán, nhưng trước hết Bình Nhưỡng phải có những bước đi "có ý nghĩa" phù hợp với các yêu cầu của quốc tế.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 11-3, Người phát ngôn Nhà Trắng Mỹ Jay Carney cho biết, Mỹ quan tâm sát sao đến các hành động khiêu khích gần đây của Triều Tiên, trong đó có việc Triều Tiên tuyên bố hủy bỏ Hiệp định đình chiến.

Còn về phía Hàn Quốc, Tổng thống Park Geun-Hye hôm 11-3 cũng đã tổ chức cuộc họp nội các đầu tiên, trong đó có nội dung tìm biện pháp giảm bớt căng thẳng đang gia tăng giữa hai miền Triều Tiên. Tại cuộc họp, bà cam kết ứng phó mạnh mẽ với khiêu khích của Triều Tiên và khẳng định, Chính phủ sẽ không từ bỏ nỗ lực tìm cách đối thoại với Bình Nhưỡng.

Phát biểu tại cuộc họp, tân Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se đã cảnh báo tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang trở nên rất trầm trọng. Ông nói mục tiêu của ông là biến kỷ nguyên đối đầu, nghi kỵ giữa hai nước thành kỷ nguyên hợp tác và tin tưởng.

Tân Bộ trưởng Thống nhất Ryoo Kihl-jae cũng nhấn mạnh đối thoại liên Triều là điều cần thiết cho dù diễn biến hiện tại rất nguy cấp. Ông nói: “Chúng ta cần một cuộc đối thoại để cải thiện quan hệ liên Triều. Trong bất kỳ hoàn cảnh chính trị nào, tôi sẽ xem xét cung cấp viện trợ nhân đạo cho trẻ em Triều Tiên dễ bị tổn thương”.

Trong khi đó tờ "Rodong Sinmun", cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, đưa tin Hiệp định đình chiến giữa nước này với Hàn Quốc "hoàn toàn bị hủy bỏ kể từ hôm 11-3" và vũ khí của Triều Tiên đã được đưa vào vị trí sẵn sàng chiến đấu. Triều Tiên cũng cảnh báo, cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu từ ngày 11-3 là hành động nhằm chuẩn bị cho việc xâm lược nước này, đồng thời đe dọa sẽ “tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân” đối với Mỹ và Hàn Quốc.

Tổng tư lệnh quân đội Triều Tiên Roh Yong-Mun nói: “Mỹ và Hàn Quốc rõ ràng nên nhận thức  những người mà họ đang phải đối mặt và một lệnh tấn công  đang chờ đợi họ”.

Theo kế hoạch, cuộc tập trận "Giải pháp then chốt" sẽ kéo dài tới ngày 21-3 với sự tham gia của 10.000 binh sĩ Hàn Quốc và 3.500 lính Mỹ cùng nhiều loại máy bay chiến đấu, trong đó có máy bay tàng hình F-22 và máy bay oanh tạc B-52. Hai tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen và USS Fitzgerald cũng tham gia tập trận.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên