Tại hội thảo xu hướng cạnh tranh trong thời đại mới, các chuyên gia, doanh nghiệp đều nhấn mạnh tầm quan trọng của cộng nghệ trong thời đại mới. Công nghệ dẫn dắt toàn cầu trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và sức “công phá” của công nghệ đang diễn ra từng phút, từng giây. Vì vậy con người càng phải thích ứng để nâng tầm.
Đại biểu phát biểu tại phiên họp Cạnh tranh trong thời đại mới. Ảnh: XUÂN THI
Nâng tầm công nghệ
Tại hội thảo, các chuyên gia khẳng định cạnh tranh thương mại được cho là sẽ hỗ trợ tăng trưởng quốc gia. Bước sang thế kỷ XXI, nhất là từ nửa sau thập niên thứ hai đến nay, trên thế giới xảy ra nhiều thay đổi, biến động phức tạp. Trên phạm vi toàn cầu, xuất hiện xu hướng chuyển dịch quyền lực từ Tây sang Đông, dẫn đến sự thay đổi tương quan lực lượng giữa các nước lớn. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương xuất hiện sự cạnh tranh chiến lược, đồng thời gia tăng sự tập hợp lực lượng theo những xu hướng khác nhau, làm cho cạnh tranh, hợp tác giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt.
Trong đó, tầm quan trọng của công nghệ trong thời đại mới rất được quan tâm và đang có sự cạnh tranh rất quyết liệt và diễn ra trên nhiều lĩnh vực. Các doanh nghiệp cho rằng, hiện nay bên cạnh robot và công nghệ thực tế ảo, các nhà máy cũng đang thúc đẩy cải tiến sử dụng điện toán đám mây và cảm biến thông minh. Bộ cảm biến thông minh có thể thực hiện các công việc như chuyển đổi dữ liệu thành các đơn vị đo khác nhau, kết nối với các máy móc khác, thống kê lưu trữ, phản hồi và tự động ngắt các thiết bị nếu xảy ra vấn đề để bảo đảm an toàn. Internet of Things (IoT) cho phép chúng ta thu được thông tin chính xác vào đúng thời điểm để đưa ra các quyết định đúng đắn. Tất cả dữ liệu này cũng như phản hồi của khách hàng sẽ có tác động đáng kể đến hoạt động nghiên cứu và phát triển, giúp đem lại nhiều trải nghiệm cho người dùng, thúc đẩy đổi mới.
Theo ông Tim KoBe, nhà sáng lập kiêm CEO Eight Inc (Singapore), để có thể tham gia vào xu hướng dẫn dắt kinh tế thế giới tăng trưởng ở châu Á, Việt Nam nên có những bước đi phù hợp thể hiện chuyển đổi chiến lược, tạo ra giá trị gia tăng; tập trung quảng bá, maketing bởi đây là bước đi phù hợp xu thế. Việt Nam nên có những bước đi mở rộng và đa dạng, gia tăng tính hiện diện trên trường quốc tế thông qua việc tập trung chiến lược maketing, quảng bá hình ảnh…
Đặc biệt, đối với Bình Dương - một trong những địa phương phát triển hàng đầu Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nói chung và đầu tư nước ngoài nói riêng, tỉnh phát huy nguồn nhân lực dồi dào, tập trung đào tạo người lao động có tay nghề trình độ cao để thích ứng xu thế mới. Tỉnh tập trung các lợi thế về công nghệ thông tin truyền thông và cơ sở hạ tầng để nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng tầm của Bình Dương trong thời kỳ mới. “Thương mại điện tử diễn ra rất nhanh chóng. Có thể nói, những người ở độ tuổi sinh ra từ năm 2000, tức là những người dưới 30 tuổi họ rất rành về công nghệ; nó như là nguồn oxy mới đối với họ vậy. Do vậy cần phải chuyển dịch từ tư duy đến hoạt động sản xuất nhằm tạo nên những giá trị hữu ích cho tất cả mọi người. Điều quan trọng là chúng ta phải hiểu và ứng dụng năng lực công nghệ để tạo nên giá trị lớn nhất. Vì đó chính là mục tiêu cốt lõi, mục tiêu lớn nhất của công nghệ”, ông Tim KoBe nhấn mạnh về hướng đi của Bình Dương.
Tất yếu phải thích ứng
Mặc dù còn nhiều thách thức nhưng vẫn có nhiều dự đoán rằng máy móc sẽ dần thay thế con người ở nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, phần lớn công nghệ tự động hóa được sử dụng cho những công việc được coi là không an toàn cho con người. Như vậy, có thể nói robot không thể thay thế, mà chỉ là một công cụ bổ sung giúp con người hoàn thành công việc hiệu quả hơn. Chúng ta vẫn cần những người có thể quản lý chúng, giống như sự chuyển đổi từ công việc nông trại sang công việc của nhà máy vào đầu thế kỷ XX, hầu hết mọi ngành sẽ cần những hình thức lao động mới. Và đây chính là lúc mà thế giới cần một nguồn nhân lực có thể xây dựng phần cứng, phần mềm; những người có thể thiết kế tự động hóa và chế tạo robot cũng như những người có thể thích nghi và quản lý các thiết bị đó.
Theo bà Pooja Shukla, nhà sáng lập kiêm CEO LAVIDA, chúng ta phải thích ứng và thích ứng nhanh để bảo đảm theo kịp tốc độ thay đổi của công nghệ, của tư duy, của thị trường...; bên cạnh đó cũng sẵn sàng chấp nhận “thương vong” trong sự thay đổi này. Nếu chúng ta không thực hiện việc tự nâng cấp mình thì sẽ rơi lại phía sau bởi sự cạnh tranh của những ý tưởng mới. Ví dụ như về nguồn nhân lực, người sử dụng lao động phải biết điểm yếu, điểm mạnh của mình và thẳng thắn chia sẻ những khó khăn đối với các đơn vị đào tạo lao động.
Theo bà, kỹ năng quan trọng nhất là kỹ năng con người. Đây chính là chìa khóa trong thời đại cạnh tranh mới. Kỹ năng con người hiệu quả sẽ giúp người lao động mở rộng mạng lưới quan hệ, tăng khả năng giao tiếp, thế mạnh trong bối cảnh hội nhập.
Một trong những thách thức trong cạnh tranh đó là chúng ta phải hiểu văn hóa, bối cảnh, con người ở mỗi quốc gia, mỗi khu vực. Cuộc chiến giá cả không phải là tất cả mà quan trọng là hiểu được văn hóa, con người. Vấn đề là làm thế nào để đưa ra thị trường các sản phẩm mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, giúp người dân, khách hàng, nhân viên của mình ngày càng thịnh vượng. Từ đó sẽ biến những khách hàng thành khách hàng trọn đời của mình
TIỂU MY - ĐÌNH HẬU