Chăm lo nhà ở cho người có công

Cập nhật: 05-05-2013 | 00:00:00

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định 22/2013/QĐ-TTg về “hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở”. Theo quyết định này, 8 đối tượng chính sách là các bậc lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, thân nhân liệt sĩ, thương binh, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVT nhân dân... sẽ được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở theo hai mức: 40 triệu và 20 triệu đồng/nhà. Đây là quyết định được cả xã hội hoan nghênh, ủng hộ và cũng là sự cụ thể hóa chính sách “Đền ơn đáp nghĩa” của Đảng, Nhà nước ta.

  Công ty Xăng dầu Quân đội khu vực 3 trao nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách. Theo số liệu của các địa phương báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì số người có công được thụ hưởng Quyết định 22 sẽ vào khoảng 71.000 hộ. Như vậy, ngân sách Nhà nước dành cho nội dung này sẽ lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Đó là một con số không hề nhỏ trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang gặp không ít khó khăn như hiện nay. Nhìn nhận như vậy để khẳng định rằng: Dù còn khó khăn, Đảng, Nhà nước ta vẫn quyết tâm thực hiện tốt công tác chính sách, thực hiện tri ân người có công ngay trong từng bước phát triển. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định một thực tế, với giá cả hiện nay, số tiền từ 20 đến 40 triệu đồng rất khó để sửa chữa, hay xây mới được một căn nhà ở với các tiêu chí (diện tích tối thiểu 30m2, thực hiện “3 cứng”: Nền cứng, khung-tường cứng, mái cứng) như Quyết định 22 quy định.

Vậy làm thế nào để người có công có được chỗ ở thực sự khang trang, vững chắc như mục tiêu đề ra theo Quyết định 22. Ngay trong quyết định, Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu phương thức: “Huy động từ nhiều nguồn vốn để thực hiện; Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp và tự tổ chức xây dựng nhà ở”. Trên thực tế, đây chính là phương thức xã hội hóa để có thêm nhiều nguồn lực chăm lo cho đối tượng chính sách. Những năm vừa qua, nhiều phong trào xây dựng nhà ở để thực hiện an sinh xã hội đã thành công chính nhờ tiến hành bằng phương thức này. Điển hình như Chương trình xây tặng nhà đồng đội, nhà tình nghĩa của Bộ Quốc phòng; hoặc Cuộc vận động “Mái ấm cho đồng bào nghèo nơi biên giới, hải đảo” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Báo Quân đội nhân dân tổ chức. Chỉ với số tiền không nhiều, cùng với công sức bộ đội và hội viên các đoàn thể quần chúng, sự quan tâm của dòng họ, làng xóm; hàng vạn hộ đồng bào nghèo và đối tượng chính sách đã có mái ấm vững chắc. Hay phong trào “Mái ấm Công đoàn” do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, phong trào “Ngôi nhà 100 đồng” của tuổi trẻ quân đội... cũng là những ví dụ tiêu biểu trong việc huy động nguồn lực để xây dựng nhà ở cho người nghèo, đối tượng chính sách.

Như vậy có thể thấy, mức tiền 20-40 triệu đồng là “phần cứng” do ngân sách Nhà nước hỗ trợ, còn để thực hiện thành công Quyết định 22, rất cần những “phần mềm” với sự sáng tạo trong tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền các địa phương mà trực tiếp là đảng ủy, UBND cấp xã. Nếu chính quyền địa phương lập kế hoạch thực hiện công khai, minh bạch, chặt chẽ; có cơ chế kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện, bảo đảm không để xảy ra thất thoát trong sử dụng nguồn vốn; khéo léo làm công tác dân vận, huy động sức mạnh cộng đồng trong xây dựng, sửa chữa từng căn nhà cụ thể... thì nhất định sẽ đạt được mục tiêu chăm lo nhà ở cho người có công.

Bằng nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhất định Quyết định 22 sẽ được thực hiện thành công, tạo động lực cho các hộ chính sách đi lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Theo Báo Quân đội nhân dân

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên