Chăn nuôi an toàn sinh học: Hướng đến sự phát triển bền vững

Cập nhật: 15-11-2011 | 00:00:00

Nỗi lo của người chăn nuôi Bình Dương (BD) trong thời gian qua là về giá cả và dịch bệnh trên các đàn gia súc, gia cầm. Chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH) chính là hướng đi cần thiết để người chăn nuôi đối phó một cách hiệu quả với dịch bệnh và hướng đến một nền chăn nuôi bền vững.  Cần đẩy mạnh tuyên truyền để người chăn nuôi nhận thấy các lợi ích của chăn nuôi ATSH

Hướng đi cần thiết

Lĩnh vực chăn nuôi trong ngành nông nghiệp BD trong thời gian qua đã được phát huy và thực sự đã đem lại nguồn thu nhập cao cho nhiều người. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có tổng đàn gia súc đạt khoảng 422.000 con (tăng 17,2%), tổng đàn gia cầm đạt gần 3 triệu con (tăng 40%). Định hướng phát triển lĩnh vực chăn nuôi của BD trong thời gian qua đã hình thành nên vùng chăn nuôi hàng hóa chất lượng cao, an toàn dịch bệnh với trên 63% đàn gia cầm và 80% đàn heo được nuôi tập trung. Tuy đã có quy hoạch phát triển cụ thể nhưng nỗi lo về dịch bệnh vẫn luôn hiện hữu trong suy nghĩ của nhiều người chăn nuôi.

Trong tình hình phát triển như hiện nay và xu hướng trong tương lai có thể thấy chăn nuôi ATSH chính là hướng đi cần thiết nhằm hạn chế một cách có hiệu quả sự xuất hiện của các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi và qua đó lợi ích kinh tế của người chăn nuôi được bảo đảm. Có thể hiểu rằng chăn nuôi ATSH là phương thức chăn nuôi áp dụng tổng hợp và đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nhằm quản lý, ngăn ngừa sự tiếp xúc giữa vật nuôi với mầm bệnh, tạo ra sản phẩm an toàn với sức khỏe cộng đồng và bảo đảm lợi ích kinh tế cho người dân.

Tại BD, chăn nuôi ATSH đã có từ lâu nhưng chỉ xuất hiện tại các trang trại lớn với sự quan tâm đúng mức các quy trình chăn nuôi khép kín và tiêm phòng bảo đảm nhưng phải bỏ ra một số vốn lớn mới hình thành. Ngược lại, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ từ vài con đến vài chục con vẫn chưa quan tâm nhiều đến hình thức chăn nuôi hiện đại này. Một mặt do người nuôi nhỏ lẻ vẫn còn nặng tính chất chăn nuôi theo kiểu truyền thống chăn dắt và chăn thả phục vụ cho nhu cầu thực phẩm của gia đình là chính. Với những tư tưởng chăn nuôi  như kiểu này rất khó để cho họ có thể áp dụng các biện pháp chăn nuôi ATSH. Ông Tạ Trọng Khang, Chi cục phó Chi cục Thú y Bình Dương cho biết, điều cốt yếu của chăn nuôi ATSH hiện nay không phải nằm ở khâu giống và thức ăn như trước đây vì hiện nay nguồn giống lưu thông được cơ quan thú y quản lý chặt chẽ, nguồn thức ăn thì đã được bảo đảm. Điều quan trọng của chăn nuôi ATSH chính là các yếu tố về môi trường và quản lý dịch bệnh phải được bảo đảm. Trong đó, yếu tố môi trường gồm bên trong và cả bên ngoài chuồng trại cần bảo đảm; quản lý dịch bệnh tốt chính là thực hiện tốt các yêu cầu, các quy trình tiêm phòng, các biện pháp phòng chống dịch bệnh khác của cơ quan thú y đưa ra. Nếu bảo đảm được các yếu tố trên thì có thể xem là chăn nuôi ATSH.

Cần tuyên truyền sâu,  rộng trong nhân dân

Với những người đã từng tìm hiểu kỹ hay đã từng áp dụng các biện pháp chăn nuôi ATSH thì đã nhận ra các lợi ích thiết thực của quy trình chăn nuôi này. Tuy nhiên với những người chăn nuôi nhỏ lẻ do hạn chế về các tài liệu hoặc do điều kiện chăn nuôi chưa thực sự cần áp dụng các biện pháp chăn nuôi ATSH nên họ cũng chưa quan tâm đến vấn đề này. Rất nhiều hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ thiết kế chuồng trại chưa bảo đảm. Một số hộ dân vẫn còn nhốt chung cả gia súc và gia cầm nên môi trường chăn nuôi cũng chưa phù hợp cho đàn vật nuôi phát triển. Với kiểu chăn nuôi nhỏ lẻ họ cũng ít khi thực hiện các biện pháp tiêm phòng đầy đủ.

Ông Tống Văn Hướng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, là người đầu tiên đưa mô hình nuôi gà lạnh về địa phương. Ông cũng đã từng thất bại trong việc nuôi gà trại hở do sự xâm nhập của dịch bệnh. Chuyển từ mô hình nuôi gà chuồng hở sang nuôi gà lạnh từ năm 2003, hiện nay ông đã phát triển quy mô chuồng trại lên 6 ha.  Mô hình chăn nuôi gà lạnh của ông Hướng cũng là một hình thức chăn nuôi ATSH. Ông Hướng cho biết, giữa hai môi trường thì con gà trại hở chấp nhận môi trường bên ngoài còn gà lạnh, con gà tuần tuổi nào sẽ được xử lý nhiệt độ, tức là điều tiết được nhiệt độ trong chuồng. Mặt khác, dịch bệnh được giảm tối đa do mô hình khép kín, việc vệ sinh chuồng trại tốt, nguồn thức ăn đầu vào bảo đảm nên tạo nhiều thuận lợi trong quá trình nuôi. Tuy nhiên, để kiểu chăn nuôi ATSH được nhiều người chú ý thì vấn đề tuyên truyền, tập huấn cho người chăn nuôi cần được tăng cường để giúp họ có dịp tìm hiểu sâu hơn về hình thức chăn nuôi này. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền cho người nông dân thay đổi tập quán chăn nuôi cũ nhằm hướng đến việc chăn nuôi theo các tiêu chuẩn về chất lượng, giá cả theo yêu cầu của thị trường nhằm tạo ra sản phẩm sạch, có chất lượng và để người chăn nuôi có lợi nhuận cao.

Ông Tạ Trọng Khang, Chi cục phó Chi cục Thú y Bình Dương:

Cần phát huy vai trò của cơ quan quản lý địa phương

Hiện nay vẫn chưa có một quy chuẩn, quy định của Nhà nước về chăn nuôi ATSH nên cũng rất khó để tuyên truyền đến người chăn nuôi. Để phương thức chăn nuôi ATSH phát triển trong thời gian tới thì cần có lộ trình hạn chế các mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, vai trò của các cấp chính quyền địa phương cũng rất cần được chú ý trong việc phát triển chăn nuôi ATSH vì việc quản lý môi trường chăn nuôi - một trong những yếu tố quan trọng của chăn nuôi ATSH thì cơ quan quản lý địa phương giữ vai trò chủ chốt.

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=380
Quay lên trên