Chỉ số cải cách hành chính 2016: Tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Cập nhật: 11-06-2017 | 23:27:49

Chỉ số Cải cách hành chính (CCHC) năm 2016 là năm đầu tiên triển khai thực hiện xác định Chỉ số CCHC theo các tiêu chí (TC), tiêu chí thành phần (TCTP)mới quy định tại Quyết định số 4361/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ. Theo kết quả công bố ngày 30-5-2017, Bình Dương xếp hạng 5/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Chỉ số CCHC 2016 tỉnh Bình Dương cho thấy sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành CCHC của tỉnh đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

 

 Bình Dương luôn sắp xếp, tinh gọn theo hướng tích hợp để công tác cải cách hành chính ngày càng tốt hơn.Trong ảnh: Một góc khu A, Trung tâm Hành chính công

 PAR Index phiên bản mới

Chỉ số CCHC - PAR Index là cơ sở quan trọng để đánh giá hiệu quả CCHC do Bộ Nội vụ triển khai từ năm 2012. Sau thời gian thực hiện, Chỉ số CCHC đã có những điều chỉnh về TC và phương pháp đánh giá để đánh giá thực chất kết quả CCHC và tác động của CCHC vào sự phát triển kinh tế- xã hội của các bộ, ngành, địa phương trong cả nước. Chỉ số CCHC cấp tỉnh phiên bản mới được đánh giá dựa trên 2 nội dung là báo cáo tự đánh giá của UBND các tỉnh, thành phố dựa trên các tài liệu kiểm chứng và điều tra xã hội học do Bộ Nội vụ thực hiện. Chỉ số CCHC cấp tỉnh được cấu trúc thành 2 nhóm.

Nhóm I, đánh giá kết quả thực hiện CCHC gồm 8 lĩnh vực, 32 TC và 64 TCTP bao gồm: Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC: 5 TC và 9 TCTP; Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại tỉnh: 4 TC và 9 TCTP; Cải cách thủ tục hành chính (TTHC): 4 TC và 9 TCTP; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính: 3 TC và 5 TCTP; Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức: 8 TC và 11 TCTP; Cải cách tài chính công: 2 TC và 4 TCTP; Hiện đại hóa hành chính: 3 TC và 10 TCTP; thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông: 3 TC và 7 TCTP.

Nhóm II, đánh giá tác động của CCHC, gồm 27 TC, được phân loại theo 8 nội dung tác động của CCHC, cụ thể là: Tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh: 2 TC; tác động đến chất lượng thể chế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của tỉnh: 4 TC; tác động đến tình hình giải quyết TTHC: 4 TC; tác động đến tổ chức bộ máy hành chính: 3 TC; tác động đến đội ngũ công chức giải quyết TTHC: 4 TC; tác động đến quản lý tài chính công: 3 TC; tác động đến hiện đại hóa hành chính: 4 TC; tác động đến chất lượng cung cấp dịch vụ công: 3 TC.

Theo đó, các TC, TCTP trong Chỉ số CCHC của các tỉnh, thành phố phản ánh thực chất của công tác CCHC, đánh giá được những việc làm được, chưa làm được, hạn chế trong công tác CCHC, góp phần hình thành hệ thống theo dõi, đánh giá đồng bộ, thống nhất về CCHC trong hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Chỉ số CCHC đã tiếp tục khẳng định qua thực tiễn là công cụ quản lý mới trong triển khai Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020.

Bình Dương thuộc nhóm tỉnh, thành đứng đầu về CCHC

Ngày 30-5-2017, Bộ Nội vụ đã công bố kết quả Chỉ số CCHC năm 2016 của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo báo cáo được Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ công bố, tỉnh Bình Dương đạt 82,23 điểm (thang điểm năm 2016 là 97,5 điểm), đạt 84,34%, đứng thứ 5 trên bảng xếp hạng 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, điểm kết quả 8 lĩnh vực CCHC của tỉnh đạt 49,25 điểm (thang điểm năm 2016 là 62 điểm), đạt 79,44% và điểm đánh giá tác động CCHC đạt 32,98 điểm (thang điểm năm 2016 là 35,5 điểm), đạt 92,9%.

Theo kết quả chi tiết về điểm số từng lĩnh vực của Chỉ số CCHC 2016 tỉnh Bình Dương cho thấy, Bình Dương đã đạt điểm tuyệt đối, thuộc đứng đầu cả nước của 3/8 lĩnh vực của chỉ số CCHC. Thứ nhất là về công tác chỉ đạo, điều hành CCHC, đây là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong triển khai thực hiện nhiệm vụ CCHC, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt, sát sao về công tác CCHC thể hiện qua các chương trình, kế hoạch CCHC được ban hành và triển khai thực hiện nghiêm túc, phù hợp tình hình thực tiễn địa phương, công tác kiểm tra giám sát nghiêm túc, việc tuyên truyền về CCHC được thực hiện đa dạng trên các phương tiện truyền thông như: Báo Bình Dương, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương, Cổng thông tin điện tử tỉnh và các sở, ngành, địa phương. Nhiều sáng kiến, giải pháp CHCC và hội thi về CCHC được phát động, tổ chức đã góp phần đưa nội dung, nhiệm vụ CCHC đến từng cơ quan, địa phương và từng cán bộ, công chức các cấp.

Thứ hai là lĩnh vực cải cách tổ chức bộ máy hành chính là lĩnh vực tỉnh Bình Dương cũng đạt điểm tuyệt đối 100%, đứng đầu cả nước thông qua các nội dung như: Việc tuân thủ các quy định của Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương về tổ chức bộ máy, tổ chức kiểm tra tình hình tổ chức và hoạt động của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và cấp huyện, tích cực rà soát chức năng nhiệm vụ và quyền hạn để kịp thời điều chỉnh hay kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung phù hợp, bảo đảm không bỏ trống hay trùng lắp chức năng, nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh Bình Dương cũng tích cực thực hiện các phân cấp quản lý nhà nước trên địa bàn, đẩy mạnh phân cấp về địa phương và phù hợp tình hình quản lý nhà nước trên các lĩnh vực và xu hướng đô thị hóa của tỉnh, phù hợp khả năng, thế mạnh và tình hình thực tiễn của tỉnh. Ba là lĩnh vực cải cách tài chính công, là 1 trong 8 địa phương trong cả nước đạt 100% điểm số về lĩnh vực này, tỉnh Bình Dương được đánh giá cao về việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý kinh phí hành chính và tại các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP, Nghị định 117/2013/NĐ-CP, Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Tỉnh đã được đánh giá có tỷ lệ tự bảo đảm kinh phí thường xuyên tăng cao hơn năm 2015 trong các đơn vị sự nghiệp công lập, góp phần vào việc nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước, sắp xếp các tổ chức theo hướng tinh gọn và bố trí nhân sự phù hợp điều kiện thực tiễn của từng đơn vị, nâng cao mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội

Điểm nhấn quan trọng của Kết quả Chỉ số CCHC năm 2016 của tỉnh Bình Dương thể hiện qua việc đánh giá tác động của CCHC đến các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Về tiêu chí này, Bình Dương đạt 92,9%, thuộc nhóm xuất sắc, đứng thứ 5 cả nước, tương đồng và chính xác thứ hạng về kết quả CCHC của tỉnh. Kết quả này cho thấy thông qua những nỗ lực CCHC của tỉnh đã dần phát huy tác dụng, các hành động CCHC của tỉnh đã lan tỏa, đi đến từng tổ chức, doanh nghiệp và tầng lớp nhân dân trong tỉnh, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương.

Chỉ số CCHC 2016 của tỉnh cho thấy tác động đến mức độ thu hút đầu tư của tỉnh (tổng số vốn thu hút đầu tư của tỉnh năm 2016 là 31.291 tỷ đồng và 2 tỷ 040 triệu đô la Mỹ, tăng hơn 50% so với năm 2015), tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới tăng 66,5% so với năm 2015 (năm 2016, tỉnh đã cấp phép thành lập mới 4.627 doanh nghiệp). Ngoài ra, kết quả công tác CCHC của tỉnh cũng có tác động tích cực đến chất lượng công tác quản lý nhà nước của tỉnh và việc cải thiện lề lối thái độ đội ngũ cán bộ, công chức giải quyết thủ tục hành chính tác động tích cực việc nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công của tỉnh Bình Dương.

Nhìn chung, ngoài việc đứng đầu, đạt điểm tuyệt đối của 3 lĩnh vực chỉ đạo điều hành, cải cách tổ chức bộ máy và cải cách tài chính công, các lĩnh vực khác như: Cải cách TTHC đạt 88,89%, thuộc nhóm đứng thứ 3 trong cả nước và việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đạt 90,62% thuộc nhóm đứng thứ 2 cả nước đã cho thấy những nỗ lực của tỉnh công tác cải cách TTHC của tỉnh đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, 3 lĩnh vực còn lại của Chỉ số CCHC kết quả đạt được cũng còn khiêm tốn, như: Lĩnh vực xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh đạt 80%, xếp hạng 49/63 tỉnh, thành trong cả nước, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC đạt ở mức trung bình 65,79%, hiện đại hóa nền hành chính 41,76% xếp thứ 28/63.

Từ những hạn chế, một lần nữa để chúng ta nhìn nhận và cần nhiều nỗ lực hơn nữa để công tác CCHC được toàn diện hơn trên các lĩnh vực, góp phần tích cực hơn nữa trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

TRƯƠNG CÔNG HUY (Giám đốc Trung tâm Hành chính công)

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên