Với phương châm “hành chính phục vụ - người dùng là trung tâm”, Bình Dương đã có nhiều đổi mới trong cải cách hành chính (CCHC) theo hướng chuyển đổi số (CĐS), xây dựng thành phố thông minh, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN).
Lấy người dân làm trung tâm
Cầm trên tay tập hồ sơ, bà Nguyễn Thị Mỹ (phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một) đến Trung tâm Hành chính công (TTHCC) tỉnh thực hiện thủ tục lý lịch tư pháp. Mặc dù không am hiểu công nghệ thông tin nhưng sau 15 phút được các tình nguyện viên hướng dẫn cách tạo tài khoản, scan, nộp hồ sơ và điền biểu mẫu trên nền tảng số, bà đã nộp thành công hồ sơ lý lịch tư pháp; sau 15 ngày được nhận kết quả tại nhà, bà rất vui. “CĐS thật tiện lợi! Việc làm hồ sơ rất nhanh, gọn và giảm thời gian đi lại cho người dân. Thật tuyệt!”, bà Mỹ trầm trồ nói.
Những trường hợp như bà Mỹ dường như ngày nào cũng có tại TTHCC tỉnh. Bà Lê Thị Thúy Diệu (khu phố Thạnh Lộc, phường An Thạnh, TP.Thuận An) khi đến TTHCC tỉnh làm thủ tục xin giấy phép kinh doanh, cũng được cán bộ và tình nguyện viên hướng dẫn tận tâm, tận tình. Từ các khâu tạo tài khoản, đến việc scan, nộp hồ sơ để số hóa hồ sơ điện tử đều được các tình nguyện viên hướng dẫn rất cặn kẽ, chi tiết. “Tôi rất hài lòng về cán bộ phục vụ hướng dẫn. Chỉ cần một lần được số hóa hồ sơ, sau đó tôi đã thực hiện rất nhiều hồ sơ tại nhà liên quan đến lĩnh vực kinh doanh, đầu tư”, bà Diệu chia sẻ.
Bình Dương đầu tư hạ tầng số theo hướng hiện đại hóa. Trong ảnh: Lễ công bố nền tảng số "Ứng dụng Bình Dương số phục vụ người dân, doanh nghiệp"
Ghi nhận thực tế cho thấy, tỉnh đang tập trung xây dựng hạ tầng số theo hướng hiện đại hóa. Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh của tỉnh kết nối dữ liệu và tích hợp với hơn 1.000 chỉ số giám sát ở 27 lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh Bình Dương luôn được cập nhật, nâng cấp đầy đủ các tính năng, tiện ích hỗ trợ người dân, DN thực hiện TTHC và hỗ trợ hiệu quả cho công chức, viên chức giải quyết TTHC. Đây là điểm sáng của tỉnh để hướng về người dân, phục vụ người dân.
Hành chính phục vụ
Với phương châm “Hành chính phục vụ - người dùng là trung tâm”, tỉnh đã có nhiều đổi mới, bố trí, sắp xếp lại phù hợp với các yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới về CĐS và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN tại TTHCC tỉnh và Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp huyện, bộ phận “một cửa” cấp xã trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã tăng cường hoạt động kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời phát hiện và xử lý các quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
“UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp để cải thiện và nâng cao Chỉ số CCHC (Par Index), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS), Bộ Chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, DN trong thực hiện TTHC”, ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết.
Theo ông Nguyễn Lộc Hà, Bình Dương quyết tâm xây dựng thành phố thông minh Bình Dương với 4 trụ cột: CCHC, phát triển kinh tế, môi trường bền vững, xã hội toàn diện. Trong đó, tỉnh xác định CCHC theo hướng CĐS, quyết tâm xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Bình Dương lấy người dùng là trung tâm phục vụ để triển khai các giải pháp hướng về người dân, DN, như quyết tâm triển khai thành công ứng dụng Bình Dương số, hỗ trợ chữ ký số miễn phí cho người dân để phục vụ công tác triển khai dịch vụ công trực tuyến, ký số trên thiết bị di động sử dụng Sim PKI chuyên dùng Chính phủ trong các hệ thống thông tin cơ quan Nhà nước của tỉnh.
HỒ VĂN