Những “đôi tay vàng” mang bạc tỷ về cho doanh nghiệp

Cập nhật: 06-02-2024 | 09:59:46

Họ đi ra từ những làng quê với thành tích học tập không có gì nổi bật. Thế nhưng, sau nhiều năm tiếp xúc với nhiều dây chuyền máy móc hiện đại, không ít anh chị đoàn viên, công nhân lao động tại Bình Dương đã không ngừng tìm tòi, học hỏi, đưa ra những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật làm lợi cho doanh nghiệp (DN) hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.


Ông Bùi Thanh Nhân, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy trao tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá nhân xuất sắc trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” của tỉnh năm 2023

Không ngừng học hỏi

Câu chuyện về tấm gương “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” của cô gái trẻ Bạch Lê Ngọc Châu tại Công ty TNHH Sài Gòn Stec (TP.Thủ Dầu Một) trong năm 2023 càng tiếp thêm động lực cho nhiều bạn trẻ là đoàn viên, công nhân tại Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung về tinh thần học tập, sáng tạo trong lao động, sản xuất.

Hơn 11 năm trước, Bạch Lê Ngọc Châu từng học khoa ngữ văn trường Đại học Cửu Long (tỉnh Vĩnh Long). Gác lại nghiệp văn chương, trong những ngày chờ bằng tốt nghiệp, chị Châu rời quê An Giang cùng chị gái của mình lên Bình Dương xin làm công nhân kiếm tiền mưu sinh. Chính bản thân chị Châu cũng không ngờ khoảng thời gian ngắn tiếp xúc với công việc đã nảy sinh tình yêu với máy móc nên chị không ngừng nỗ lực học hỏi. Vừa làm vừa nghiên cứu các hệ thống dây chuyền tại các phân xưởng, sau gần 2 năm, chị mạnh dạn thi tuyển vào phòng kỹ thuật của công ty. Chị Châu tâm sự: “Với người được đào tạo chuyên ngành máy móc, khi vào làm ở phòng kỹ thuật đã gặp không ít khó khăn, huống gì người “ngoại đạo” như em. Họ nỗ lực một thì mình phải nỗ lực gấp hai, gấp ba”.

Bên cạnh học tập thực tế, nghiên cứu qua sách vở, chị Châu phải học thêm nhiều ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Nhật. Chị chia sẻ, mỗi lần máy móc trục trặc, hay theo chân lãnh đạo người Nhật đi khảo sát dây chuyền sản xuất, họ truyền đạt những ý tưởng hay thì chị không hiểu. Mà khi không hiểu thì làm sao có sáng kiến hay. Vậy là sau giờ làm, chị lại đạp xe đến các trung tâm học tiếng Nhật cho đến khi nghe nói thành thạo.

Sự nỗ lực không mệt mỏi của chị Châu đã được đền đáp xứng đáng. Trong 5 năm (từ năm 2018 đến 2022), chị Bạch Lê Ngọc Châu đã có 5 sáng kiến làm lợi cho công ty với tổng số tiền 330 tỷ đồng. Trong tháng 7 vừa qua, chị Châu cùng 6 lao động khác của tỉnh Bình Dương được Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam vinh danh tại giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh về “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” trên cả nước.


Với sáng kiến của mình, anh Dương Hoàng Dũ làm lợi cho doanh nghiệp hàng trăm ngàn USD/năm

“Những cá nhân tiêu biểu được UBND tỉnh xét khen thưởng trong năm 2023 là những lao động trực tiếp sản xuất tại các DN có tổ chức công đoàn, là chủ quản, trưởng phó các phân xưởng, tổ trưởng, tổ phó sản xuất, kỹ sư, công nhân... luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Họ có nhiều sáng kiến, sáng tạo đã được ứng dụng vào thực tiễn mang lại giá trị lợi ích về kinh tế; góp phần cải thiện chế độ, chính sách, quyền lợi cho tất cả NLĐ tại đơn vị, như: Tăng lương, thưởng, tham gia tốt bảo hiểm xã hội, cải thiện điều kiện an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường, sức khỏe NLĐ...”.

(Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh)

Làm lợi nhiều tỷ đồng cho doanh nghiệp

Năm 2023, dù sản xuất, kinh doanh của các DN gặp không ít khó khăn, nhưng phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” trên địa bàn tỉnh tiếp tục được các cấp công đoàn tỉnh triển khai sâu rộng đến từng DN, người lao động (NLĐ). Qua đó, NLĐ trên toàn tỉnh đã có hàng ngàn sáng kiến trong lao động, sản xuất, làm lợi cho DN hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng. Trong năm 2023, Bình Dương có 7 sáng kiến tiêu biểu được Tổng LĐLĐ Việt Nam vinh danh tại giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh và UBND tỉnh đã tuyên dương và tặng bằng khen cho 253 lao động có sáng kiến tiêu biểu.

Những sáng kiến trên không chỉ tiết kiệm được nhân công trong các dây chuyền sản xuất mà còn tiết kiệm được nguyên vật liệu đầu vào, nâng cao giá trị sản phẩm làm ra, từ đó giúp DN cạnh tranh trong từng sản phẩm trên thị trường. Điển hình như chị Trần Thị Hằng, Tổ trưởng sản xuất Công ty TNHH Sonova Operations Center Việt Nam (TP.Thuận An). Với 18 năm làm việc tại công ty, chị luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm năng suất, chất lượng trong quá trình sản xuất. Cuối năm 2022, chị Hằng đã thực hiện đề án “Cải tiến, sửa chữa Electric Module” dùng để lắp ráp máy trợ thính. Sau khi thay đổi quy trình sửa chữa, DN đã giảm số lượng sản phẩm phải hủy và tiết kiệm được hơn 9 tỷ đồng.

Hay sáng kiến của anh Dương Hoàng Dũ, Công ty TNHH Compass II (TP.Thuận An), cũng không kém phần hiệu quả. Công ty của anh Dũ chuyên sản xuất các loại tua vít và đầu tua vít xuất khẩu, chạy trên máy CNC. Với cải tiến “chương trình vận hành sản xuất máy CNC” của anh Dũ, công ty đã tiết kiệm thời gian sản xuất từ 50 giây/sản phẩm xuống còn 27 giây/sản phẩm và không cần sử dụng dầu làm mát trong quá trình vận hành, nên sản phẩm làm ra sạch hơn, tiết kiệm thêm được chi phí mua dầu, nhân công làm sạch sản phẩm... Sáng kiến của anh Dũ đã làm lợi cho công ty hàng trăm ngàn USD/năm.

Có thể khẳng định, những gương lao động tiêu biểu được tôn vinh, biểu dương, khen thưởng trong năm 2023 là những “bông hoa” đẹp nhất trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” của tỉnh. Họ đã và đang đóng góp đáng kể vào kết quả sản xuất, kinh doanh của DN nói riêng và thành quả phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương nói chung.

QUANG TÁM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên