Con số 72.000 đáng suy nghĩ

Cập nhật: 31-03-2014 | 00:00:00

Con số 72.000 lao động có trình độ cử nhân, thạc sĩ không tìm được việc làm trong tổng số 900.000 người thất nghiệp trong cả nước tính đến cuối năm 2013 mà bản tin của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng cục Thống kê vừa công bố, đã làm dư luận không khỏi sửng sốt. Giật mình là phải, bởi chuyện cử nhân vì nhiều lý do mà không tìm được việc là điều đang diễn ra nhan nhản, nhưng ít ai ngờ rằng dạng lao động có trình độ tri thức cao này bị thất nghiệp lại chiếm tỷ lệ cao như vậy, thậm chí còn tăng 1,7 lần so với năm 2012.

Không phải chỉ mới những ngày qua mà từ lâu, xã hội đã “nóng” lên với câu chuyện cử nhân tốt nghiệp ra trường không xin được việc, phải đi bán báo dạo, làm nhân viên tiếp thị, phục vụ nhà hàng, quán nước... để chờ tìm công việc phù hợp. Nói như giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên - nhi đồng của Quốc hội, cách đây 10 năm các đại biểu Quốc hội đã từng cảnh báo về chuyện dư thừa cử nhân, thạc sĩ vì số lượng đào tạo quá lớn so với nhu cầu. Cho đến nay, một thực trạng phổ biến và cũng là nguyên nhân khá “nóng hổi” lý giải cho tình trạng thất nghiệp của hàng chục ngàn cử nhân, thạc sĩ hiện nay vẫn là do các trường đại học, cao đẳng cứ đua nhau mọc lên như nấm, mà gắn liền với đó là nhu cầu tuyển sinh, đào tạo cũng tăng lên đáng kể hàng năm, trong khi yêu cầu về “đầu ra” của lao động thì đáp ứng không tốt. Không chỉ chất lượng đào tạo chuyên môn của nhiều trường chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng mà nhiều cử nhân cũng thiếu luôn các kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp... theo yêu cầu tương ứng, dẫn đến tình trạng phải đào tạo lại mới sử dụng được, hết sức lãng phí. Và, còn do các đơn vị đào tạo lạc hậu, không nắm bắt kịp thời xu hướng, sự dịch chuyển trong cơ cấu, ngành nghề lao động để có hướng đào tạo phù hợp...

Trường từ trung cấp tiến lên cao đẳng, cao đẳng lên đại học; ở gia đình đa số cha mẹ cũng có tâm lý mong con cái vào đại học để ra trường thành cử nhân hoặc hơn thế. Cho nên, không lấy gì làm lạ khi số lượng cử nhân không ngừng gia tăng và số cử nhân không tìm được việc phù hợp cũng không dừng giảm. Thậm chí, khi không tìm được việc, nhiều cử nhân còn tranh thủ thời gian học lên thạc sĩ, tiến sĩ với suy nghĩ đơn giản “học trước, tính sau”. Trong khi đó, lao động tay nghề nhiều nơi lại tìm không ra đủ người; năm nào khi tư vấn tuyển sinh thông điệp này cũng được cảnh báo, nhắc nhở nhưng xem ra vẫn không đủ sức làm “lung lay” tâm lý thích cử nhân, thạc sĩ của người học. Nghịch lý này ai gánh chịu? Thiết nghĩ cũng không nên đổ hết lỗi cho các nhà trường.

Giữa đào tạo và sử dụng lao động là một quy trình, nếu nó đồng bộ thì “đầu vào” và “đầu ra” sẽ ổn thỏa. Nhà nước cũng đã có nhiều giải pháp và đã quy hoạch nguồn nhân lực đến năm 2020, tất nhiên những giải pháp này cần được thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn để bảo đảm cho việc đào tạo và sử dụng lao động “gặp” nhau nhiều hơn, bền chặt hơn. Tuy nhiên, trước hết ngay chính bản thân người học cũng cần có sự sáng suốt với ngành nghề sẽ nuôi sống và giúp mình cống hiến. Con số 72.000 cử nhân, thạc sĩ chưa tìm được việc làm phù hợp hẳn không hề nhỏ và rất đáng để suy nghĩ về điều đó.

QUANG MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=384
Quay lên trên