Cuối tháng 3-2012, lần đầu tiên một đoàn công tác của Tổng LĐLĐVN đại diện cho giai cấp công nhân Việt Nam đến với các cán bộ, chiến sĩ, nhân dân quần đảo Trường Sa. Các cán bộ hải quân đã nhận xét, đây là một đoàn công tác đặc biệt đã để lại ấn tượng sâu sắc với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía nam.
Đoàn công tác đặc biệt
Chuyến đi của các đoàn công tác dân sự đến với quần đảo Trường Sa thường được bố trí vào quãng thời gian từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 5 dương lịch bởi cái nhẽ “tháng ba bà già đi biển”. Nhưng năm nay, chẳng hiểu có phải do ông giời đổi tính, đổi nết vì biến đổi khí hậu hay không mà áp thấp nhiệt đới mạnh thành bão quần thảo khắp vùng biển Trường Sa ngay từ tháng 3. Vì thế, đối với các thành viên đoàn công tác Trường Sa lần này, lý thuyết “tháng ba bà già đi biển” chẳng còn chính xác nữa.
Chiến sĩ đảo Trường Sa Đông kéo xuồng của đoàn công tác bị mắc cạn vào cầu cảng. Theo đúng kế hoạch hành quân, đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Hải quân, Tổng LĐLĐVN và tỉnh Bình Dương sẽ khởi hành vào chiều 25-3. Ấy vậy mà sau bản tin thời tiết trưa ngày hôm đó, ngày xuất cảng ra biển lớn đã phải rời lại. Nguyên nhân được gói gọn trong một câu thế này: Áp thấp nhiệt đới gần Trường Sa, gió giật cấp 6 đến cấp 7. Có lẽ khi ấy ít ai trong đoàn nghĩ rằng từ đây, các bản tin dự báo thời tiết là chương trình trên truyền hình “hot” nhất trong ngày.
Quả vậy, chẳng mấy chốc già nửa thành viên trong đoàn đã thuộc làu các khung giờ phát bản tin dự báo thời tiết trên chương trình VTV1, thậm chí còn phân biệt được giờ nào phát bản tin thời tiết nông vụ, bản tin thời tiết quốc tế để không cần xem, bởi lẽ những bản tin này không có thời tiết biển. Câu chuyện đầu tiên được mang ra làm quà mỗi khi người ta gặp nhau dưới sảnh nhà khách hay khi ngồi vào mâm cơm là: “Áp thấp đi đến đâu rồi nhỉ? Không biết đã sắp đi được chưa?”. Sang đến ngày thứ hai nằm chờ ở Quân cảng Cam Ranh, trời vẫn chưa chiều lòng người. Chương trình dự báo thời tiết trưa ngày 27-3 phát tin: “Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với gió mùa đông bắc hoạt động mạnh, nên khu vực giữa và nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9, có mưa rào và dông mạnh; biển động mạnh”. Vậy là thời tiết trên khu vực biển quần đảo Trường Sa vẫn diễn biến xấu, chưa có dấu hiệu khả quan hơn.
Không biết sẽ chờ đợi đến bao giờ, đoàn công tác của tỉnh Bình Dương đành lỗi hẹn với chuyến hành quân lần này. Còn đoàn công tác của Tổng LĐLĐVN vẫn kiên nhẫn chờ đợi áp thấp nhiệt đới sẽ tan, vì “anh em chiến sĩ ngoài Trường Sa đang phải quần thảo với sóng to, gió lớn, mưa dông mạnh vẫn đang chờ đón khách”.
Với Bộ Tư lệnh Hải quân, đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử đưa các đoàn công tác dân sự ra thăm quần đảo Trường Sa gặp phải bão tố ngay từ đầu năm. Thế nhưng, trước ý chí quyết tâm của đoàn công tác, 17h hôm sau tàu HQ936 rẽ sóng ra khơi, vừa đi vừa ngóng thời tiết. Vậy mà ông trời vẫn dở chứng “hắt hơi sổ mũi”, áp thấp ở nam biển Đông ngày càng mạnh lên và trở thành cơn bão số 1 với sức gió cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua giật cấp 11, cấp 12, biển động rất mạnh. Thông tin dự báo thời tiết cho hay đây là cơn bão trái với quy luật đi từ phía bắc xuống phía nam, gần 40 năm nay mới xuất hiện trở lại. Không còn cách nào khác, tàu HQ936 đành phải neo đậu tránh bão.
Không để lãng phí thời gian trên tàu, đoàn công tác của Tổng LĐLĐVN đã thành lập ngay một đội văn nghệ với nhạc cụ duy nhất là chiếc guitar của anh Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch CĐ Cty CP điện lực Khánh Hòa. Nhờ chiếc máy in của đoàn thủy thủ tàu, các “ca sĩ công đoàn” hăng say tập luyện để đem tiếng hát đến với Trường Sa thân yêu. Chưa hết, đoàn còn phát động một phong trào sáng tác thơ ca về Trường Sa, về biển đảo tổ quốc trong suốt hành trình. Sau này khi hải trình kết thúc, đại tá Nguyễn Ngọc Tương - Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân - đã nhận xét: “Đoàn của Tổng LĐLĐVN là một đoàn công tác đặc biệt có tình cảm sâu sắc với các đảo, nhà giàn trên quần đảo Trường Sa. Thực sự là tấm gương đến với bộ đội. Ngay cả trong những thời điểm khó khăn, đoàn vẫn giữ được tính tổ chức, kỷ luật, đoàn kết tương trợ lẫn nhau, thể hiện tinh thần lạc quan của giai cấp công nhân”.
Muốn về chuyến cuối
Khi đuôi của cơn bão quái gở quất vào đất liền cũng là lúc tàu HQ936 trở lại với hải trình đến với Trường Sa. Những đợt sóng lừng sau bão liên tục thúc vào hai mạn tàu, khiến quá nửa thành viên trong đoàn “thấm đòn” chỉ sau ngày đầu hướng ra biển. Được các cán bộ hải quân truyền đạt kinh nghiệm nằm võng sẽ đỡ bị say sóng hơn, nên không ít thành viên mắc võng ở boong dưới làm chỗ ngả lưng. Đêm đến, gió mạnh hơn, sóng đánh tràn mặt boong, táp cả vào các võng ở gần mạn tàu nhất. Sáng hôm sau có anh thú thật: “Sóng đánh ướt hết cả chăn, cả quần áo, còn sợ bị lăn tòm xuống biển nhưng vẫn sợ say hơn nên cứ cuộn tròn trong võng chịu trận”. Còn phần lớn thành viên nữ của đoàn gần như hơn một ngày không nhìn thấy mặt trời vì phải nằm bẹp trong phòng, không ăn nổi hạt cơm nào.
Lễ chào cờ trước cột mốc chủ quyền trên đảo Sơn Ca là lần đầu tiên chúng tôi được nghiêm trang hướng về lá cờ tổ quốc hát vang Quốc ca giữa biển Đông rộng lớn. Có lẽ chưa bao giờ chủ quyền biển đảo của tổ quốc lại thiêng liêng như lúc này. Rồi những bỡ ngỡ khi lần đầu tiên được đặt chân lên “núm ruột của tổ quốc” cũng nhanh chóng tan đi để tình cảm từ đất liền, từ giai cấp công nhân đến với các cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Những chương trình văn nghệ đậm chất công đoàn nhanh chóng kết thân mọi người.
Mỗi lần lên đảo, hai chiếc xuồng chuyển tiếp được hạ xuống để phục vụ đoàn công tác. Do đoàn có hơn 80 thành viên nên phải chia làm 3 hay 4 chuyến. Tôi chú ý, càng đến các điểm đảo sau, nhiều thành viên trong đoàn đã tốt bụng nhường cho người khác xuống xuồng trước, còn mình chọn về chuyến cuối. Sau tôi mới vỡ lẽ, họ làm vậy để có thêm thời gian ở trên đảo dù chỉ ngồi ở cầu tàu hát cho nhau nghe, trò chuyện thêm dăm ba câu hay cố gắng tìm ra đồng hương nơi đảo xa. Những mong ước được một lần đến với Trường Sa khiến vài giờ trên đảo trở nên vô cùng ngắn ngủi, khiến thời khắc chia tay càng trở nên quý giá. Ở đảo Trường Sa Đông, các cán bộ, chiến sĩ gắng sức đẩy xuồng bị mắc cạn đến khi nước biển gần tới cổ mới rời tay. Nắm tay một chiến sĩ trẻ, chị Nguyễn Thị Yên Hưng, Chủ tịch Công đoàn Viện KHNN VN chào: “Các con ở lại, cô về nhé”, rồi quay đi lấy tay gạt nước mắt. Khi đến điểm cuối cùng là nhà giàn DK1-7, do điều kiện biển động chỉ vận chuyển được một lượt xuồng chuyển tải, để đảm bảo an toàn, tất cả thành viên nữ đều không được lên thăm nhà giàn, không ít người đã bật khóc. Vậy đấy, đến với biển đảo tổ quốc là ước mơ cháy bỏng của nhiều người, dù đã vượt qua nhiều sóng gió, trở ngại nhưng đôi khi đã đến gần lắm nhưng vẫn không thể thực hiện được nguyện vọng của mình.
Bài học Trường Sa
Đặt chân lên Trường Sa, ngoài các hoạt động chung của đoàn, mỗi thành viên đều cố gắng tìm hiểu, cảm nhận biển đảo của tổ quốc và chia sẻ, động viên theo cách riêng của mình. Tôi đã chứng kiến anh Đặng Vân - Trưởng ban Tuyên giáo nữ công LĐLĐ TP.Đà Nẵng - đội nắng, cần mẫn đi hỏi chuyện các chiến sĩ trên mỗi đảo, ghé vào từng nhà dân trên đảo Trường Sa Lớn rồi ghi chép, chụp ảnh như một phóng viên thực thụ. Anh bảo sau chuyến đi sẽ làm một slide hình ảnh để tuyên truyền đến công nhân viên chức lao động ở Đà Nẵng về sự hy sinh, kiên trì bám trụ biển đảo và cuộc sống của cán bộ, nhân dân quần đảo Trường Sa, vì thế phải tìm hiểu cặn kẽ mới có những thông tin sống động, chân thực. Còn anh Nguyễn Xuân Thái - Phó Chủ tịch Công đoàn ngành công thương - lại dành nhiều thời gian chú ý đến chuyện bếp núc của các chiến sĩ ở đảo chìm. Như ở đảo Len Đao, khi biết rằng nồi cơm điện các chiến sĩ đang sử dụng là do đảo tự trang bị, anh Thái đã lên kế hoạch sẽ gửi tặng các đảo chìm những chiếc nồi cơm điện mới để thuận tiện hơn trong việc nấu nướng. Tôi cũng rất bất ngờ khi chị Đặng Thị Thanh Lanh - Công đoàn ngành ngân hàng - đã kỳ công mang từ đất liền hàng đống vở viết, truyện tranh để tặng các bé trên đảo Trường Sa Lớn.
Những năm gần đây, Tổng LĐLĐVN đã phát động các chương trình “Tấm lưới nghĩa tình” và xây dựng, phát triển các nghiệp đoàn nghề cá hỗ trợ ngư dân bám biển, khẳng định chủ quyền biển đảo. Vì vậy, những kiến thức thực tế, bổ ích từ chuyến đi sẽ là hành trang quý giá để công đoàn các cấp có những hành động thiết thực, cụ thể hướng đến biển đảo tổ quốc. Đồng chí Trần Tiến Hòa, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chánh Văn phòng Tổng LĐLĐVN cho rằng: “Chuyến đi là bài học rất quý đối với mỗi cán bộ công đoàn về sự kiên cường, anh dũng, hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo tổ quốc của quân, dân quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía nam. Vì vậy, sau chuyến đi, mỗi thành viên trong đoàn cần trở thành một tuyên truyền viên về biển đảo. Để các đảo, nhà giàn ở ngoài khơi gần hơn với đất liền, gần hơn với giai cấp công nhân VN”.
Theo Báo Lao Động