Bằng những việc làm thiết thực chăm lo quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động (NLĐ), Công đoàn Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (CĐ VSIP) đã trở thành điểm tựa vững chắc của NLĐ đang làm việc tại các doanh nghiệp (DN) trong các VSIP.
Ông Nguyễn Thiện Phước (thứ 6, từ phải sang), Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh trao bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh cho các CĐCS trực thuộc CĐ VSIP đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động công đoàn năm 2015. Ảnh: T.THẢO
Một trong những ưu tiên hàng đầu của hoạt động công đoàn ở CĐ VSIP là quan tâm đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên và NLĐ. Cụ thể, CĐ VSIP đã tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ công đoàn (CBCĐ) về kỹ năng xây dựng, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT). Nội dung tập trung vào những quy định của pháp luật liên quan đến TƯLĐTT với DN; quy trình đàm phán, xây dựng và ký kết TƯLĐTT với DN; cách sử dụng các biểu mẫu, công cụ để xây dựng TƯLĐTT tại DN... Bà Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch CĐ VSIP, cho biết tính đến nay có 122 công đoàn cơ sở (CĐCS) đã thương lượng ký kết thỏa ước, trong đó có 55 thỏa ước còn thời hạn (có 22 thỏa ước ký kết năm 2015). Việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT cũng còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, CĐ VSIP cố gắng tập trung nhiều giải pháp để ngày càng nâng cao cả về chất lượng và số lượng các bản TƯLĐTT.
Song song đó, CĐ VSIP thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo các CĐCS chủ động phối hợp với DN thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc thông qua hình thức tổ chức hội nghị NLĐ và đối thoại định kỳ. Năm 2015, có 30/267 CĐCS phối hợp với DN tổ chức hội nghị NLĐ, đạt tỷ lệ trên 11%; có 227/267 CĐCS phối hợp DN tổ chức đối thoại định kỳ, đạt tỷ lệ 85%. Thông qua thực hiện quy chế dân chủ bước đầu đã phát huy quyền làm chủ tập thể của NLĐ để thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, điều lệ của các tổ chức quần chúng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ và người sử dụng lao động.
Mặt khác, CĐ VSIP luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ. Các cấp công đoàn đã chăm lo tốt cho NLĐ bằng nguồn ngân sách của công đoàn và có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho ĐVCĐ, NLĐ như thăm tặng quà trong dịp tết, ngày lễ... Đặc biệt, CĐ VSIP duy trì được “Quỹ tương thân tương ái”. Đến nay, trong các VSIP đã có 138 lượt đơn vị tham gia đóng góp, với mức tồn quỹ hiện tại trên 210 triệu đồng. Bà Đặng Thị Kim Chi chia sẻ: “Sau 4 năm hoạt động, quỹ đã được đánh giá cao của các CĐCS về tính công khai, minh bạch. Quỹ đã kịp thời hỗ trợ chi cho ĐVCĐ bị tai nạn lao động nặng, bệnh hiểm nghèo, qua đời và chi cho các ĐVCĐ bị tai nạn lao động, chi nhân dịp các ngày hội thi và sơ, tổng kết năm... góp phần tạo thêm nguồn động viên, chăm lo đời sống gia đình của ĐVCĐ khi gặp phải khó khăn, mất mát trong quá trình lao động”.
Anh Đặng Quang Duẫn, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Apparel Far Eastern VN, cho biết: “Hoạt động tương thân tương ái luôn được Ban chấp hành đề ra trong chương trình hành động của mình. Với mục đích quan tâm sâu sát hơn về vật chất, tinh thần đối với các ĐVCĐ khi gặp khó khăn đột xuất. Từ đó giúp cho ĐVCĐ gắn bó và ngày càng tin tưởng vào tổ chức công đoàn. Trên tinh thần đó, toàn thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên, NLĐ công ty luôn ý thức sâu sắc và xem đây là việc làm thiết thực, ý nghĩa và đồng sức đồng lòng thực hiện trên tinh thần trách nhiệm đối với xã hội, hướng về cộng đồng, phát huy truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách… Hiện Ban chấp hành Công đoàn cùng Ban giám đốc, cũng như NLĐ công ty đang làm rất tốt công tác này, nhằm giúp đỡ những trường hợp đoàn viên, CNLĐ gặp hoàn cảnh khó khăn đột xuất như tai nạn, bệnh hiểm nghèo, cũng như khuyến khích, động viên các cháu là con CNLĐ vượt khó, học giỏi”.
Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, CĐ VSIP ngày càng tạo được lòng tin nơi NLĐ và các CĐCS, góp phần xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh, làm tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho NLĐ.
THU THẢO