Trong thời gian qua, bằng nhiều cách làm linh động, sáng tạo, phù hợp, Công đoàn Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Các hoạt động ngày càng đi vào chiều sâu, thể hiện được vai trò đại diện chăm lo, bảo vệ đoàn viên, người lao động (NLĐ) trong khu công nghiệp.
Bà Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Công đoàn VSIP trao giấy khen, biểu dương NLĐ có thành tích trong PTTĐ “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” năm 2018. Ảnh: T.THẢO
Đồng hành với người lao động
Chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ là một trong những nhiệm vụ chính của các cấp công đoàn. Cụ thể, tính đến cuối năm 2018, tại VSIP đã có 185/337 công đoàn cơ sở (CĐCS) ký kết Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT), đạt tỷ lệ 55%; 100% CĐCS xây dựng nội quy lao động; 325/337 CĐCS xây dựng, điều chỉnh, bổ sung thang, bảng lương, tỷ lệ 96,15%, trong đó có 143 doanh nghiệp xây dựng và đăng ký lại tại Ban Quản lý VSIP; 100% CĐCS phối hợp với chuyên môn tổ chức đối thoại định kỳ hàng tháng, quý…
Ngoài ra, Công đoàn VSIP còn tập trung vào việc tư vấn pháp luật tại chỗ cho NLĐ. Năm 2018, Công đoàn VSIP đã tư vấn cho 167 lượt người, trong đó tiếp tại văn phòng 49 lượt, tiếp qua điện thoại 120 lượt, nhận 11 đơn khiếu nại về việc thực hiện chưa đúng quy định khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), chưa trả sổ bảo hiểm xã hội (BHXH); quyết định nghỉ việc, chế độ tai nan lao động. Trong số đơn thư khiếu nại, phản ánh trên, không có đơn nào thuộc thẩm quyền giải quyết của công đoàn. Các đơn thư đều được Công đoàn VSIP tham gia với Ban Quản lý VSIP cùng các CĐCS giải quyết.
Bà Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Công đoàn VSIP, cho rằng: “Đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho đoàn viên, NLĐ” đòi hỏi phải nỗ lực rất nhiều mới đáp ứng được nhu cầu không ngừng tăng cao của NLĐ. Thời gian tới, các cấp công đoàn trong VSIP sẽ tiếp tục đổi mới trong cách nghĩ, sáng tạo trong cách làm để tăng cường công tác chăm lo cho NLĐ đi vào chiều sâu, thiết thực”.
Thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”
Ở Công đoàn VSIP, phong trào thi đua (PTTĐ) yêu nước luôn được duy trì và phát triển mạnh mẽ, thiết thực, hiệu quả, hướng đến NLĐ; trong đó trọng tâm là PTTĐ “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”. Phong trào này được cụ thể hóa thành những nội dung thi đua phù hợp với tính chất, đặc thù của từng ngành nghề, lĩnh vực, thu hút hàng ngàn NLĐ tham gia.
Ngay từ đầu mỗi năm, Công đoàn VSIP đã ban hành văn bản chỉ đạo các CĐCS phát động PTTĐ tại doanh nghiệp. Theo đó, CĐCS đã động viên đoàn viên công đoàn, NLĐ đẩy mạnh cải tiến máy móc, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất thực hành tiết kiệm, giảm mức tiêu hao nguyên, nhiên, vật liệu, năng lượng để nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng máy móc, thiết bị… Từ đó, tạo ra nhiều sản phẩm đạt chất lượng cao đủ sức cạnh tranh, tham gia hội nhập khu vực và quốc tế. Cụ thể, tại các doanh nghiệp đã đẩy mạnh phong trào “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ. Nhiều đơn vị đã cụ thể hóa thành những khẩu hiệu để NLĐ dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện như phong trào “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, “Bảo đảm an toàn trong sản xuất”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “Thi đua nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm” đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của doanh nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ.
“Cố gắng hết sức, nỗ lực cao nhất” là phương châm của những NLĐ tiêu biểu trong phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” năm 2018, mà chị Nguyễn Thị Thái, nhân viên Công ty TNHH Nitto Denko Việt Nam là một điển hình. Bản thân chị đã có sáng kiến “Cải thiện hao phí nguyên liệu TPX”. Cụ thể, trước khi cải thiện thì tại công đoạn ép đơn tầng, sử dụng TPX để lót sản phẩm khi ép, đối với những mã hàng có thiết kế phần cánh tay song song với chiều dài của tấm U000 và nằm phía bên ngoài tấm U00, sau khi ép xong phải thay TPX mới trước khi chuyển đến công đoạn sau. Qua nhiều năm làm việc tại vị trí này, chị thấy lãng phí khi phải thay TPX mới, trong khi nó còn rất tốt. Vì vậy, chị đã mày mò cải tiến, sản phẩm sau ép sẽ dựng vào bàn gá chuyên dụng. TPX để vừa chốt định vị và che hết phần sản phẩm. Kết quả với sáng kiến này, nếu trước đây với đơn hàng sản xuất 13 triệu pcs phải sử dụng 82 cuộn TPX/ tháng; thì sau cải tiến chỉ mất 56 cuộn nguyên liệu. Chỉ chi tiết đơn giản này đã tiết kiệm cho doanh nghiệp gần 200 triệu đồng/tháng.
Hay anh Trần Văn Tiến, trợ lý giám sát của Công ty TNHH Thực phẩm Nissin Việt Nam đã có sáng kiến là sơn lại 3 chảo nấu gia vị, ốp inox nền chảo và đường cống. Kết quả, sáng kiến này đã giúp tiết kiệm chi phí thuê nhà thầu trên 25 triệu đồng và giảm thời gian vệ sinh 5 triệu đồng/năm. Anh còn có sáng kiến “Cải tiến thành đáy bồn xả bột gia vị” ngăn nước tràn qua thành đáy thấm làm ướt trần nhà, phát sinh mốc đen, có nguy cơ nhiễm vi sinh vào sản phẩm đã mang lại hiệu quả là bảo đảm ngăn cách môi trường bên trong và bên ngoài, tiết kiệm chi phí thuê nhà thầu là 21 triệu đồng và giảm thời gian vệ sinh là 5 triệu đồng/năm.
Bà Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Công đoàn VSIP, đánh giá, thực hiện PTTĐ “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, trong khu công nghiệp đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến. Họ thực sự là những bông hoa, tấm gương tiêu biểu để cán bộ, NLĐ trong khu công nghiệp nhân rộng và học tập. Thời gian tới, PTTĐ “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” sẽ tiếp tục được Công đoàn VSIP chỉ đạo và triển khai sâu rộng đến từng CĐCS trực thuộc với nội dung và hình thức phong phú hơn, phù hợp với đặc thù của từng doanh nghiệp; đồng thời kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình để khích lệ tinh thần, tạo động lực cho PTTĐ phát triển.
Tính đến nay, trong VSIP đã có 209 lượt đơn vị tham gia đóng góp Quỹ Tương thân tương ái của Công đoàn VSIP với tổng số tiền tồn quỹ là 285 triệu đồng. Trong năm 2018, Quỹ Tương thân tương ái đã chi theo quy chế cho 67 trường hợp với tổng số tiền gần 26 triệu đồng, góp phần tạo thêm nguồn động viên, chăm lo đời sống gia đình của NLĐ khi gặp phải những khó khăn trong quá trình lao động.
THU THẢO