Phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” trong công nhân lao động (CNLĐ) được Công đoàn VSIP triển khai sâu rộng tới các công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc. Qua đó đã tập hợp sức mạnh, phát huy khả năng lao động, sức sáng tạo của đoàn viên, CNLĐ…
CNLĐ trong KCN VSIP tích cực lao động, sản xuất góp phần đưa doanh nghiệp ngày càng phát triển
Công đoàn VSIP hiện đang quản lý trên 120.000 đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ). Thời gian qua, cùng với việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên, CNLĐ, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, Công đoàn VSIP còn tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua do Liên đoàn Lao động tỉnh và UBND tỉnh phát động. Với phương châm “Sát cơ sở và hướng về người lao động”, Ban Thường vụ Công đoàn VSIP đã ban hành các văn bản, kế hoạch hướng dẫn các CĐCS tuyên truyền, vận động CNLĐ tham gia các phong trào thi đua yêu nước gắn với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Theo đó hàng năm, Công đoàn VSIP phát động liên tục các phong trào thi đua, gồm phong trào “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”, phong trào “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, phong trào xây dựng CĐCS vững mạnh, phong trào chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho CNLĐ, ĐVCĐ, phong trào tương thân tương ái và từ thiện xã hội. Nhờ gắn với việc Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nên đã khơi dậy ý thức trách nhiệm, lòng nhiệt tình, sức sáng tạo của người lao động (NLĐ), tích cực học tập nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển.
Cũng từ phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” với nhiều sáng kiến kinh nghiệm, sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong công tác quản lý, sản xuất, hợp lý hóa quy trình sản xuất, thiết bị công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm... đã từng bước ổn định việc làm, nâng cao thu nhập cho NLĐ, nhất là trong tình hình hiện nay, khi mà nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do không ổn định sản xuất khiến cho một bộ phận NLĐ thiếu việc làm.
Tiêu biểu cho phong trào chúng ta phải kể đến Công ty TNHH Midea Consumer Electric Việt Nam. Là công ty chuyên sản xuất đồ điện gia dụng, với khoảng 627 công nhân viên. Phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” được đơn vị này triển khai từ năm 2013 và phát triển mạnh từ năm 2015 đến nay. Điều đặc biệt là khi có triển khai phong trào này đến CNLĐ thì đều được họ hưởng ứng rất nhiệt tình và sôi nổi. Cụ thể là đã có hơn 130 CNLĐ được tuyên dương, với hơn 20 sáng kiến, cải thiện được công ty công nhận và trao thưởng. Theo anh Từ Tuấn Mãn, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Midea Consumer Electric Việt Nam, để phong trào có hiệu quả thì cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa công đoàn và Ban giám đốc với nhau, nhằm động viên những CNLĐ có sáng kiến tốt thì công đoàn đã đề xuất công ty khen thưởng kịp thời. Ông cho biết thêm, để phong trào phát triển mạnh hơn, công ty đã có những giải pháp là triển khai theo hạng mục, theo nhóm. Đối với những hạng mục xuất sắc sẽ được báo cáo Tổng bộ khen thưởng.
Đánh giá về các phong trào thi đua của đơn vị mình, bà Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Công đoàn VSIP nhấn mạnh: “Nhận thức rõ vai trò của thi đua luôn là yếu tố quan trọng, tạo ra động lực và sức mạnh để góp phần hoàn thành xuất sắc kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị, Công đoàn VSIP luôn coi trọng việc phát động các phong trào thi đua trong CNLĐ với mục tiêu: “Năng suất, chất lượng, hiệu quả, cải thiện đời sống người lao động”. Phải nói rằng, các phong trào thi đua do Công đoàn VSIP phát động, triển khai luôn được các CĐCS và đông đảo CNLĐ tích cực hưởng ứng tham gia, mang lại hiệu quả thiết thực, sâu rộng. Các phong trào thi đua đã đi vào chiều sâu và có chuyển biến về chất lượng, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả công việc, khơi dậy ý thức trách nhiệm, tinh thần sáng tạo trong đội ngũ CNLĐ”.
Tuy nhiên, bà Đặng Thị Kim Chi cũng cho rằng, phong trào thi đua ở một số đơn vị chưa phối hợp chặt chẽ giữa công đoàn và doanh nghiệp, các hình thức khen thưởng động viên phong trào bằng vật chất còn thấp, chưa có các hình thức khích lệ động viên phong trào về mặt tinh thần. Mặt khác, một số phong trào thi đua chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa phù hợp với điều kiện của từng loại hình doanh nghiệp. Ở một số doanh nghiệp chưa thấy hết tầm quan trọng công tác thi đua khen thưởng, chưa thật sự tích cực phối hợp với tổ chức công đoàn tạo điều kiện hỗ trợ thời gian, vật chất để tổ chức các phong trào thi đua trong CNLĐ tại đơn vị…
THẢO NGUYÊN