Không chấp nhận là lao động phổ thông, nhiều công nhân (CN) đã nỗ lực hết mình để đến trường. Vượt qua nhiều áp lực về công việc cũng như những khó khăn trong cuộc sống đời thường, nhiều CN đã đến trường để nâng cao trình độ kiến thức và tay nghề cho bản thân.
Các bạn CN tích cực đến trường để học tập. Trong ảnh: Các bạn sinh viên trường Trung cấp Công nghiệp Bình Dương đang trao đổi bài trong giờ nghỉ giải lao
Đi tìm kiến thức
Nói đến chuyện học của mình, Đỗ Thị Ngọc - CN của một công ty điện tử ở KCN Sóng Thần chia sẻ: Một ngày của Ngọc bắt đầu từ 5 giờ sáng, dậy vội ăn bữa sáng rồi đến công ty, chiều đi làm về lại tất bật lo cơm nước tắm rửa, Ngọc đạp xe đến trường Trung cấp Công nghiệp Bình Dương để học lớp kế toán vào lúc 18 giờ 30 phút hàng ngày. Ngọc trải lòng: “Nhiều lúc cực quá muốn nghỉ học luôn chị ạ, đi làm có lúc phải tăng ca, về muộn không kịp giờ học, không đổi được ca, không xin được nghỉ làm nên có hôm đành nghỉ học, công việc thì áp lực lắm nhưng vì quyết tâm nên em tự hứa sẽ cố gắng thu xếp ổn thỏa để không phải nghỉ học quá nhiều”.
“Ngủ dậy muộn thì phí mất cả ngày, ở tuổi thanh niên mà không học tập thì phí mất cả cuộc đời”, đó là một câu ngạn ngữ đề cao tầm quan trọng của việc học tập không ngừng nghỉ. Đối với CN học để vững vàng hơn trong công việc, để ổn định cuộc sống là một điều hết sức cần thiết. Chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Tỉnh đoàn đánh giá cao tinh thần dám ước mơ, dám lựa chọn của các bạn CN. Chị cho rằng, sự cố gắng này cần được khích lệ và tạo điều kiện hỗ trợ của các đơn vị, tổ chức để CN được trau dồi kiến thức, tay nghề. |
Tốt nghiệp hết cấp 3, cô bé Ngô Thị Trà Giang rời Nghệ An vào Bình Dương lập nghiệp. Không có bằng cấp, Giang xin vào làm phụ việc tại một trường mầm non tư thục. Với mức lương ít ỏi, Giang phải chắt bóp chi tiêu, tiết kiệm nhưng cũng không dành dụm được gì nhiều cũng như không phụ giúp được cho gia đình. Nhiều lần trăn trở, cuối cùng Giang quyết định “liều” đi học để đổi đời, nâng cao trình độ chuyên môn. Cô sinh viên 19 tuổi vừa đi làm, tối đến đi học trung cấp mầm non để trở thành cô giáo thực thụ.
Giang chia sẻ cùng với nụ cười: “Lúc em thông báo đi học bố mẹ vui lắm, gia đình cũng thường xuyên động viên em cố gắng học tập, đi làm kiếm tiền để học nhưng thỉnh thoảng bố mẹ vẫn gửi tiền phụ cấp thêm. Được gia đình hỗ trợ cũng là động lực giúp em cố gắng vượt qua khó khăn. Bây giờ, em tự hào là một sinh viên, những lúc đứng tập giảng là lúc em có thể hình dung được tương lai của mình có “màu” sáng hơn, em vui lắm”.
Học để thay đổi cuộc đời
Đến với trường Trung cấp Công nghiệp Bình Dương vào các buổi tối trong tuần, chúng ta sẽ thấy cảnh các bạn sinh viên nhộn nhịp đến trường, điều khác thường so với các trường học khác ở Bình Dương. Nhìn dáng vẻ thư sinh với cặp mắt kính của Lý Quốc Thịnh, lớp công nghệ thông tin, trường Trung cấp Công nghiệp Bình Dương là một công nhân của một công ty bao bì carton. Là một sinh viên giỏi, Thịnh thường xuyên nhận được nhiều giấy khen của nhà trường. Hàng ngày, Thịnh làm 8 tiếng ở công ty, thời gian còn lại, Thịnh tập trung học tập và làm công tác tình nguyện. “Người lao động không chỉ làm việc bằng sức lực mà phải bằng kỹ năng. Kỹ năng có được nghĩa là phải trải qua đào tạo để rút ngắn thời gian tích lũy kinh nghiệm, từ đó làm việc ngày càng có hiệu quả, năng suất cao. Học không phải vì bằng cấp, học để biết, để làm và tự cho mình cơ hội trong tương lai”, Thịnh chia sẻ với chúng tôi như thế. Ngoài việc học và làm, Thịnh còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào, hoạt động xã hội do Đoàn trường và Thị đoàn Thuận An phát động.
Được ngồi trên ghế nhà trường là một niềm hạnh phúc, giờ đây các bạn CN càng hãnh diện hơn nữa khi niềm hạnh phúc này là do mình lựa chọn, tạo dựng nên. Thầy Bùi Quang Quý, Phó Hiệu trưởng trường Trung cấp Công nghiệp Bình Dương tâm sự: “Tôi thật sự phấn khởi khi nhìn thấy các bạn “sinh viên đặc biệt” đến trường chăm chỉ, ngoan ngoãn, đó thật sự là một “cuộc cách mạng” thể hiện nhận thức của CN, việc nâng cao kiến thức, trình độ, tay nghề là hết sức cần thiết, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn hiện nay”.
HUỲNH THỦY