Vừa qua, tại kỳ họp 17, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận đối với vi phạm, khuyết điểm của một số cá nhân, đơn vị, qua đó cho thấy đã có những sai phạm về công tác cán bộ .
Có thể nói, công tác cán bộ thời gian qua luôn bám sát nhiệm vụ chính trị và yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ trong thời kỳ mới. Trong thực hiện công tác cán bộ đã đổi mới phương pháp, cách làm đã tạo ra sự đổi mới đồng bộ. Và Đảng ta cũng đã ban hành riêng một nghị quyết về công tác cán bộ - Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII - về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”
Tuy nhiên, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng cũng đã nhận định: Thời gian qua việc đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ còn nể nang, cục bộ. Một số cơ chế chính sách trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ chưa công bằng. Mặt khác tình trạng nể nang, né tránh trách nhiệm, ngại va chạm trong nhận xét, đánh giá cán bộ vẫn còn khá phổ biến ở các cấp. Không ít trường hợp nhận xét, đánh giá cán bộ còn chủ quan, cảm tính, cục bộ.
Dư luận cho rằng, công tác cán bộ đã lúc cần có quy định giống như Luật Hồi tỵ mà ông cha ta áp dụng. Luật Hồi tỵ (nghĩa là tránh đi hoặc né tránh) được ban hành dưới thời vua Lê Thánh Tông về việc bổ dụng đội ngũ quan lại phong kiến. Luật Hồi tỵ quy định những người thân như anh em, cha con, thầy trò, bạn bè cùng học, những người cùng quê… thì không được làm quan cùng một chỗ. Đến thời vua Minh Mạng, Luật Hồi tỵ còn triệt để hơn, được mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng và bổ sung những quy định mới, như: Những quan lại, ai quê ở phủ, huyện nào thì cũng không được làm việc tại nha môn của phủ, huyện ấy. Quan lại ở các nha thuộc phủ, huyện ai là người cùng làng thì phải chuyển đi nha môn khác làm việc. Quan lại không được làm quan ở chính quê hương mình, quê vợ mình, thậm chí cả nơi đi học lúc còn trẻ.
Đảng ta chủ trương trẻ hóa đội ngũ cán bộ là đúng đắn, phù hợp tình hình thực tế. Thế nhưng thực tế một số nơi làm ồ ạt, máy móc, đề bạt cán bộ trẻ một cách “thần tốc”, bỏ qua quy trình, bất chấp các quy định về năng lực, phẩm chất đạo đức, kinh nghiệm thực tiễn. Vì vậy, phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ các khâu của công tác cán bộ, trước hết là đổi mới công tác đánh giá cán bộ. Trong các khâu của công tác cán bộ, mỗi khâu có vai trò, vị trí quan trọng khác nhau nhưng việc đánh giá cán bộ là khâu tiền đề để làm công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng cán bộ… Chỉ có đánh giá đúng năng lực, phẩm chất của cán bộ mới làm cơ sở cho việc tuyển chọn, quy hoạch, bồi dưỡng, luân chuyển… đối với cán bộ một cách chính xác, khách quan. Ngược lại, nếu nhận xét, đánh giá chủ quan, thiên lệch, không đúng phẩm chất, năng lực cán bộ sẽ dẫn đến bố trí, sử dụng không đúng và tất yếu dẫn đến hậu quả khôn lường…
NHẬT HUY