Đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp

Cập nhật: 15-05-2018 | 07:59:07

Thời gian qua, công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động (LĐ) đã được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tích cực triển khai. Tuy nhiên, việc đào tạo vẫn còn tồn tại một số hạn chếvà Hội thảo “Đào tạo nghềđáp ứng nhu cầu doanh nghiệp” năm 2018 vừa diễn ra nhằm đưa ra các giải pháp đột phá, khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh.   

Doanh nghiệp tìm kiếm lao động giỏi

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đỏ mắt tìm kiếm LĐ, đặc biệt LĐ có trình độ kỹ thuật. Theo lý giải của các doanh nghiệp, LĐ phổ thông nhiều nhưng LĐ có trình độ kỹ thuật thì thật sự khan hiếm. Nỗi khổ của các nhà tuyển dụng đó là LĐ còn tư tưởng việc nhàn lương cao, hạn chế ngoại ngữ, vi tính và tác phong, kỷ luật. Bà Nguyễn Hoàng Vi Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Toyota Bình Dương (Thành phố mới) cho biết: “Do nhu cầu mở rộng sản xuất, công ty có nhu cầu tuyển LĐ trong lĩnh vực lắp ráp, sửa chữa ô tô với điều kiện phải thành thạo vi tính và tiếng Anh. Tuy nhiên, hiện nay số lượng công nhân lao động (CNLĐ) có trình độ đáp ứng nhu cầu công ty và được công ty tuyển dụng là rất ít. Công ty sẵn sàng trả lương cao nhưng buộc LĐ phải làm được việc, có tác phong công nghiệp và phải có kỹ năng mềm”. Cùng chung ý tưởng tuyển dụng LĐ có trình độ, kỹ thuật cao, anh Nguyễn Đình Hào, Trưởng phòng Nhân sự Công ty liên doanh dệt nhuộm Việt Hồng (KCN Việt Hương 2) cho biết: “Đầu năm 2018, công ty có nhu cầu tuyển bổ sung 200 CNLĐ có tay nghề kỹ thuật cao với các chức danh như: Kỹ sư dệt nhuộm, kỹ sư xây dựng, kỹ sư môi trường, thông dịch viên, điện, cơ khínhưng đến nay công ty chỉ tuyển được 50% chỉ tiêu. Số LĐ không đạt yêu cầu là do hạn chế trình độ ngoại ngữ hoặc trình độ kỹ thuật chuyên môn. Trong khi đó doanh nghiệp bỏ thời gian, tiền bạc để đào tạo LĐ, có trách nhiệm với người lao động (NLĐ) về các khoản lương, chế độ phúc lợi nhưng khi NLĐ có trình độ kỹ thuật vững vàng thì họ sẵn sàng viết đơn xin nghỉ việc hoặc tự ý nghỉ ngang”.

Học viên trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương thực hành tiện, nghề cắt gọt kim loại. Ảnh: H.TUẤN

Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề

Với ý nghĩa nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, SởLao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tổ chức Hội thảo “Đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp”. Tại hội thảo, đại diện các trường đã trình bày tham luận, đưa ra các giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn đào tạo nghề với nhu cầu doanh nghiệp và thị trường LĐ. Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn khẳng định đã hỗ trợ doanh nghiệp phát triển về nhân lực, hợp tác đưa sinh viên đến thực tập tại doanh nghiệp, hợp đồng đào tạo cho LĐ của doanh nghiệp, thông tin phản hồi vềchất lượng đào tạo sinh viên của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc đào tạo vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như: LĐ chưa đáp ứng được tác phong công nghiệp, khả năng làm việc nhóm, tổ, sựhợp tác gắn kết giữa đào tạo nghề với sử dụng LĐ của các doanh nghiệp và thị trường LĐ chưa chặt chẽ… Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết: “Thời gian qua, Bình Dương đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng nhằm nâng cao tay nghề cho NLĐ, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho NLĐ. Qua hội thảo mong rằng, các cơ sở đào tạo tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nghề, gắn với nhu cầu doanh nghiệp và xu hướng thị trường LĐ.

Để nâng cao kỹ năng nghề cho học viên, thầy Nguyễn Tấn Trung, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương cho biết: Thời gian qua, trường đặc biệt chú trọng cải tiến chương trình đào tạo để phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Hiện nay, trường đã có quan hệ hợp tác với hơn 50 doanh nghiệp nhằm đổi mới chương trình đào tạo, giúp học sinh tiếp cận nhiều hơn với thực tế, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường LĐ. Trong thời gian học, học viên được tham quan thực tếvà thực tập tại doanh nghiệp, giúp các em định hướng được việc làm tương lai và trang bị thêm những kỹ năng mà nhà tuyển dụng yêu cầu. Trong khi đó, thầy Nguyễn Xuân Lanh, Trợ lý Giám đốc Trung tâm Nhật Ngữ Cải Tiến (KaizenYoshidaSchool) khẳng định: “Trung tâm hình thành và phát triển trong hơn 12 năm qua; trung tâm luôn hướng đến đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có trình độ, có tay nghề, có thái độ, ý thức nghề nghiệp đúng đắn và có tác phong chuyên nghiệp. Mục tiêu đào tạo và giáo dục của trung tâm là biến nhân sự của doanh nghiệp trở thành nguồn tài nguyên quan trọng bằng cách thay đổi ý thức và tư duy sao cho bản thân nhân viên tựmình suy nghĩ, tự đặt ra mục tiêu, tự hành động để tạo ra giá trị lớn nhất”.

Hy vọng với những giải pháp đột phá của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, công tác đào tạo nghề ngày càng gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, tạo việc làm và nâng cao đời sống cho LĐ. 

KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=477
Quay lên trên