Hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Cập nhật: 05-10-2020 | 08:39:06

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VHTT&DL). Trong nhiệm kỳ qua, ngành VHTT&DL đã tập trung triển khai nhiều hoạt động bảo tàng, nhà truyền thống, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa (LS-VH).

Lãnh đạo Sở VHTT&DL giới thiệu với đại biểu tham quan triển lãm “Khảo cổ học Bình Dương - Tiếng nói từ lòng đất” về bảo vật quốc gia “Mộ chum gỗ - nắp trống đồng Phú Chánh”

Khơi dậy giá trị di sản

Qua sự phát hiện của các nhà khảo cổ trong các đợt khai quật tại các di chỉ khảo cổ trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã chứng minh, Bình Dương là vùng đất có bề dày văn hóa truyền thống. Những hiện vật được các nhà khoa học phát hiện trong lòng đất tại những di chỉ khảo cổ, như: Mỹ Lộc, Dốc Chùa (Bắc Tân Uyên), cù lao Rùa, Bưng Sình - Phú Chánh (Tân Uyên), Bà Lụa (Thủ Dầu Một), Hàng ông Đại (Phú Giáo)... chứa đựng nhiều giá trị quý giá về văn hóa thời tiền - sơ sử ở Bình Dương đang được bảo quản, gìn giữ và trưng bày phục vụ khách tham quan tại Bảo tàng tỉnh.

Ông Lê Văn Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết hiện nay Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ và bảo quản hơn 100.000 tiêu bản là di vật khảo cổ, trong đó 2 hiện vật đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là bảo vật quốc gia, đó là: “Tượng động vật Dốc Chùa” được công nhận vào năm 2013 và “Mộ chum gỗ - nắp trống đồng Phú Chánh” vào năm 2018.

Năm 2020, trên cơ sở tham mưu của Sở VHTT&DL, UBND tỉnh đã có tờ trình gửi Bộ VHTT&DL đề nghị thẩm định hiện vật và hồ sơ hiện vật để trình Thủ tướng Chính phủ hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia đối với “Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh”. Đây là kết quả nỗ lực, cố gắng không ngừng của đội ngũ làm công tác bảo tồn, bảo tàng tỉnh nhằm giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong quá trình phát triển và hội nhập.

Ông Lê Văn Thái, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL, cho biết những hiện vật đã được công nhận là bảo vật quốc gia và đang tiếp tục được Bình Dương đề nghị là những báu vật quý hiếm, độc bản tiêu biểu của nền văn hóa thời kỳ tiền - sơ sử, chứa đựng nhiều giá trị thẩm mỹ và thể hiện kỹ thuật tạo tác điêu luyện của người Bình Dương xưa. Vì thế, trong thời gian tới, ngành VHTT&DL sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá để lan tỏa giá trị của các bảo vật quốc gia đến với mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Bảo tồn, phát huy giá trị di tích

Thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa luôn được Sở VHTT&DL quan tâm chỉ đạo các đơn vị, phòng ban liên quan tổ chức triển khai thực hiện thường xuyên. Từ sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của tỉnh, ngành đã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện nhiều hoạt động nhằm bảo vệ và phát huy giá trị các di tích LS-VH và danh lam thắng cảnh của tỉnh.

Ông Lê Văn Thái cho biết trong giai đoạn 2016-2020, ngành VHTT&DL tiếp tục tập trung thực hiện Đề án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích LS-VH và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”. Đề án là cơ sở quan trọng đối với lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở nội dung của đề án được phê duyệt, giai đoạn 2016-2020 Sở VHTT&DL đã tham mưu cho UBND tỉnh nhiều văn bản trong lĩnh vực VHTT&DL và gia đình nói chung, lĩnh vực di sản văn hóa nói riêng, trong đó có nhiều văn bản nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh.

Ở các địa phương, UBND các huyện, thị, thành phố cũng đã chủ động ban hành các kế hoạch nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích cấp tỉnh. Các cơ quan, đoàn thể, trường học trên địa bàn cũng có nhiều hoạt động phong trào thiết thực gắn liền với hoạt động bảo vệ, chăm sóc di tích, tham quan, học tập, về nguồn tại di tích. Ngoài ra, hàng năm ngành VHTT&DL còn phối hợp với ngành giáo dục - đào tạo thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực cho học sinh, sinh viên hướng về cội nguồn văn hóa dân tộc.

Theo ông Lê Văn Thái, công tác phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua bước đầu đã mang lại hiệu quả đáng ghi nhận. Các hoạt động nhằm phát huy giá trị di tích được tổ chức ngày càng phong phú, đa dạng, chú trọng đầu tư công tác sưu tầm, trưng bày, triển lãm lưu động và tổ chức các cuộc thi viết, thi thuyết trình “Em yêu di tích quê hương”... Từ đó, đã thu hút khách đến tham quan tại các di tích ngày càng tăng lên.

Ông Lê Văn Thái khẳng định, trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thông qua thực hiện đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích LS-VH và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh, hầu hết các di tích đã được chú trọng đầu tư thực hiện công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và đem lại hiệu quả thiết thực. Trong đó, một số công trình đã trở thành điểm nhấn quan trọng trong hoạt động bảo tồn di tích của tỉnh, góp phần xây dựng và hoàn thiện thiết chế văn hóa của tỉnh nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

 TÍNH ĐẾN NAY, TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐÃ CÓ 62 DI TÍCH ĐƯỢC XẾP HẠNG, TRONG ĐÓ CÓ 13 DI TÍCH CẤP QUỐC GIA VÀ 49 DI TÍCH CẤP TỈNH. CÙNG VỚI NHỮNG HIỆN VẬT CHỨA ĐỰNG NHIỀU GIÁ TRỊ VỀ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CỦA VÙNG ĐẤT VÀ CON NGƯỜI BÌNH DƯƠNG, CÁC DI TÍCH LS-VH ĐÃ VÀ ĐANG ĐƯỢC ĐẦU TƯ BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ KHÔNG CHỈ GÓP PHẦN QUAN TRỌNG TRONG VIỆC GIÁO DỤC LS-VH TRUYỀN THỐNG, MÀ CÒN XÂY DỰNG VÀ QUẢNG BÁ HÌNH ẢNH CỦA BÌNH DƯƠNG.

HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=697
Quay lên trên