Hiện “Hộ chiếu vắc xin” điện tử của Việt Nam đã được công nhận tại 62 quốc gia, vùng lãnh thổ. Việc cấp “Hộ chiếu vắc xin” sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quá trình nhập cảnh vào các quốc gia trên thế giới đã công nhận “Hộ chiếu vắc xin” của Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu.
Hiện nay, tại Việt Nam, “Hộ chiếu vắc xin” điện tử được cấp cho tất cả người dân đã tiêm chủng đủ liều vắc xin ngừa Covid-19 theo quy định, có thông tin trên nền tảng quản lý tiêm chủng và có QR Code. “Hộ chiếu” này sẽ được hiển thị trên ứng dụng PC Covid hoặc Sổ sức khỏe điện tử của Bộ Y tế. Trên 2 ứng dụng này, tính năng “Hộ chiếu vắc xin” hiện cũng đã được bổ sung trên phiên bản mới nhất.
Tuy nhiên hiện nay, trong quá trình cấp “Hộ chiếu vắc xin” cho người dân cũng đang gặp những khó khăn. Mặc dù trên thực tế, tỷ lệ bao phủ vắc xin ngừa Covid-19 tại Việt Nam đã đạt mức cao, là một trong 6 trong nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vắc xin cao nhất trên thế giới. Thế nhưng, việc cập nhật số liệu lên hệ thống tiêm chủng chưa bảo đảm sát với con số thực tế, gây ảnh hưởng đến tiến độ cấp “Hộ chiếu vắc xin” điện tử. Bởi, người dân sẽ không được cấp “Hộ chiếu vắc xin” nếu các thông tin tiêm chủng sai sót trên hệ thống.
Tại Bình Dương, tỷ lệ bao phủ vắc xin cũng đã được bảo đảm, theo thống kê, ngành y tế đã triển khai tiêm được hơn 6.509.870 liều vắc xin, nhưng còn khoảng 225.000 mũi tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên chưa được nhập liệu trên hệ thống, hơn 106.000 lượt người phản ánh thông tin tiêm chủng chưa được xử lý trên hệ thống và hơn 31.000 người trùng thông tin trên hệ thống… Để đẩy nhanh tiến độ cấp “Hộ chiếu vắc xin”, ngành y tế và các cơ quan chức năng trong tỉnh đang nhanh chóng triển khai các biện pháp “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng vắc xin Covid-19; rà soát, xác thực, cập nhật, bổ sung thông tin sai lệch, còn thiếu của người tiêm chủng vắc xin Covid-19.
Thiết nghĩ, cùng với sự vào cuộc của ngành chức năng trong việc rà soát, cập nhật thông tin tiêm chủng trên hệ thống, người dân đã tiêm chủng cũng cần chủ động khai báo chính xác thông tin lên hệ thống tiêm chủng. Nếu phát hiện thông tin sai lệch người dân cần liên hệ với cơ sở tiêm chủng để được bổ sung, cập nhật, hoặc phản ánh trên cổng thông tin tiêm chủng. Sự chủ động của người dân sẽ góp phần cùng với các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ cấp “Hộ chiếu vắc xin”, tạo thuận lợi cho việc xuất nhập cảnh, du lịch, giao thương; đồng thời giúp ngành y tế kiểm soát tốt hơn tình hình dịch bệnh Covid-19.
ĐÀM THANH