Đi tìm con chữ

Cập nhật: 02-06-2014 | 00:00:00

 Vui vì đã biết chữ

18 giờ, học sinh của lớp bổ túc văn hóa đã đến đông đủ; tất cả họ vừa mới tan ca sau giờ làm việc. Vào lớp học họ ngồi trật tự, chăm chú nghe cô giáo giảng bài. Trong lớp học không chỉ có các bạn thanh niên công nhân, mà còn có các cô chú lớn tuổi.

   Một buổi học của lớp bổ túc văn hóa

Cô Nguyễn Thị Thu, làm việc tại Công ty TNHH Dịch vụ quản lý tài sản VISIP, cho biết: “Trước đây, khi không biết chữ, tôi gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Điện thoại tôi cũng không biết lưu tên, đi ra ngoài thấy nhiều bảng hiệu muốn biết ý nghĩa của nó cũng không đọc được… Nhiều lúc thấy tủi thân lắm. Vì vậy, khi được học lớp bổ túc này, tôi quyết tâm đi học đều đặn mỗi ngày, chỉ mong được biết đọc, biết viết”.

Lớp học có 50 học viên, từ những miền quê khác nhau, nhiều lứa tuổi khác nhau nhưng họ có chung khát khao được biết con chữ. Cô Trần Siếu Nghiến tâm sự: “Ngày trước gia đình khó khăn quá nên tôi không có điều kiện đi học. Bây giờ đến lớp được các thầy cô giáo trẻ tận tình chỉ dẫn, tôi có thể bập bẹ đánh vần từng chữ, có thể tự viết được tên mình tôi thấy vui lắm”.

Đưa kiến thức đến với công nhân

Mỗi tuần 3 buổi, vào thứ hai, thứ tư và thứ sáu hàng tuần, khoảng 10 bạn trẻ từ các Phường đoàn ở TP.Thủ Dầu Một đến lớp để trợ giảng cho giáo viên lớp. Các bạn có nhiệm vụ giúp đỡ học viên cách đánh vần, cách viết chữ cho đúng. “Trong lớp có nhiều học viên đến từ các tỉnh miền Tây. Do thói quen phát âm của vùng miền nên nhiều cô chú, anh chị phát âm sai, chúng tôi kiên nhẫn sửa cách phát âm, rồi kèm cách viết chữ cho họ”, bạn Lý Ngọc Minh, cán bộ Thành đoàn Thủ Dầu Một, chia sẻ.

Dù trời mưa gió, dù sau một ngày làm việc khá căng thẳng nhưng các bạn trẻ vẫn đến lớp đều đặn. Anh Nguyễn Văn Phương, Bí thư Chi đoàn khối cơ quan phường Hòa Phú tuy đang bệnh nhưng vẫn đến hỗ trợ, giúp các học viên phát âm, viết chữ. Anh nói: “Chúng tôi được phía công ty cho biết nếu biết chữ công nhân sẽ được lên lương, vì thế chúng tôi cũng mong muốn làm sao có thể tăng thu nhập cho họ”. Chị Lê Thị Thu Hằng, giáo viên trường Tiểu học Hòa Phú, giáo viên lớp bổ túc văn hóa thì cho biết: “Với tinh thần tình nguyện của tuổi trẻ, chúng tôi muốn cống hiến sức mình góp phần mang đến kiến thức cho công nhân”.

Theo anh Nguyễn Văn Sum, Phó Bí thư Thành đoàn Thủ Dầu Một, việc tổ chức lớp học Nhịp cầu tri thức mang nhiều mục đích, ý nghĩa. Đầu tiên là để doanh nghiệp tin tưởng vào hoạt động của Đoàn, Hội, điều cần thiết chúng ta phải chứng minh cho họ thấy lợi ích của việc thành lập chi hội. Đối với công nhân, việc mở lớp giúp họ hòa nhập với cuộc sống, giúp họ có khả năng tìm kiếm thông tin bổ ích hàng ngày… giúp họ có điều kiện để thụ hưởng văn hóa.

Bài, ảnh: NGỌC NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên