Đờn ca tài tử Nam bộ - Bảo tồn và phát triển

Cập nhật: 13-03-2017 | 21:25:26

Bài 20: Tiếng vang đờn ca tài tử ở thành phố mang tên Bác

Vinh dự là nơi tổ chức lễ đón nhận bằng của UNESCO vinh danh nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, những năm gần đây, TP.Hồ Chí Minh đã thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị ĐCTT Nam bộ. Với sự quan tâm của các cấp chính quyền và cộng đồng xã hội, đã có nhiều hoạt động cụ thể được triển khai thực hiện, góp phần tạo tiếng vang cho ĐCTT ở thành phố mang tên Bác.

Năng động trong phát triển đờn ca

TP.Hồ Chí Minh là một thành phố năng động, vì thế có rất nhiều loại hình văn nghệ giải trí của khắp các vùng miền trong nước và du nhập từ nước ngoài. Tuy nhiên, tại TP.Hồ Chí Minh ĐCTT đã truyền được sức sống đến nhiều tầng lớp nhân dân. Thành phố đã linh động trong việc biểu diễn và giới thiệu nghệ thuật ĐCTT tại những khu vực tập trung đông dân cư, như các nhà văn hóa, công viên, khu công nghiệp - khu chế xuất… Điều đáng mừng, những hoạt động nói trên đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, đặc biệt là giới trẻ. Ông Trần Thanh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP.Hồ Chí Minh, cho biết năm 2016, Trung tâm Văn hóa TP.Hồ Chí Minh đã thực hiện 24 suất diễn về ĐCTT phục vụ các trường học, các mái ấm nhà mở trên địa bàn thành phố nhằm quảng bá, giới thiệu đến công chúng di sản “đặc thù” của vùng đất phương Nam.

TP.Hồ Chí Minh luôn tạo các sân chơi, giao lưu ĐCTT để giữ gìn, phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật này (Ảnh Báo Nhân Dân)

Từ năm 2010, TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức thành công nhiều liên hoan, hội thi, giao lưu trình diễn ĐCTT như: Cuộc vận động sáng tác lời mới 20 bài bản Tổ và Vọng, Cuộc vận động sáng tác lời mới các làn điệu ĐCTT dành cho thiếu nhi, Liên hoan ĐCTT giải Hoa sen vàng và Búp sen vàng (dành cho thiếu nhi)… Ngoài ra, còn có một số sân chơi cho người mộ điệu bộ môn nghệ thuật truyền thống này trên các phương tiện truyền thông đại chúng như: Giải Bông lúa vàng, Hội thi Giọng ca cải lương hàng tuần, Giải Hội ngộ tài tử phương Nam do Đài Tiếng nói Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (VOH) tổ chức; Giải Ngôi sao vọng cổ truyền hình (sau đổi tên thành Chuông vàng vọng cổ); Chương trình Giọt nắng phù sa do Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (HTV) tổ chức. Hàng năm, hai cơ quan truyền thông này còn thực hiện thu âm, thu hình và phát sóng định kỳ chương trình ĐCTT và ca nhạc cải lương nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí của công chúng ái mộ nhạc tài tử - cải lương.

Tích cực nghiên cứu và truyền dạy

Những năm qua, nhiều tổ chức, cá nhân và ngành văn hóa của thành phố đã thực hiện và công bố nhiều công trình sưu tầm, nghiên cứu về nhạc tài tử Nam bộ như các quyển: 20 bài bản Tổ của ĐCTT Nam bộ (2001) và Diễn xướng dân gian Sài Gòn - Gia Định (2002) do Trung tâm Văn hóa TP.Hồ Chí Minh phát hành; Góp phần Nghiên cứu ĐCTT Nam bộ (2011) của PGS-TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm; ĐCTT - Lời tự tình của dân tộc quê hương (2015) của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á… Ngoài ra, thành phố tổ chức thành công nhiều cuộc hội thảo (mang tầm quốc gia và quốc tế) và tọa đàm về nghệ thuật ĐCTT Nam bộ.

Ông Trần Thanh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP.Hồ Chí Minh, cho biết cùng với việc phổ cập và biểu diễn ĐCTT, TP.Hồ Chí Minh rất quan tâm việc xây dựng đội ngũ kế thừa cho bộ môn nghệ thuật này. Nhờ đó, độ tuổi của tài tử đờn và tài tử ca ngày càng được “trẻ hóa”. Năm 2016, Trung tâm Văn hóa TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức mở lớp truyền dạy ĐCTT dành cho lứa tuổi thiếu nhi, tổ chức biểu diễn giới thiệu ĐCTT trong trường học trên địa bàn thành phố với kết quả đạt được rất khả quan. Trước đó, TP.Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức truyền dạy ĐCTT với nhiều hình thức, nội dung và phương pháp khác nhau. Ngoài việc đào tạo tại các “lò” cổ nhạc của nghệ nhân, một số cơ sở đào tạo bán chuyên nghiệp (TTVH, NVH cấp huyện và thành phố) đều tổ chức miễn phí các lớp bồi dưỡng năng khiếu ngắn hạn về ĐCTT Nam bộ, nhằm giúp các thành viên trong câu lạc bộ, đội, nhóm và những người đam mê loại hình nghệ thuật này có điều kiện bổ sung thêm kiến thức về “lòng bản”, tính chất âm nhạc, quy luật hơi - điệu các bản nhạc trong nhạc mục tài tử.

Chia sẻ với chúng tôi về chương trình “Giai điệu thành phố mùa xuân”, ông Trần Thanh Bình, cho biết tham gia Hội thi Nghệ thuật ĐCTT Nam bộ trong Festival ĐCTT Quốc gia lần 2 - Bình Dương năm 2017, đoàn nghệ nhân ĐCTT thành phố mong muốn sẽ góp phần tạo tiếng vang cho ĐCTT với bạn bè trong nước và thế giới thông qua những tiết mục biểu diễn mang tính kế thừa đặc sắc. Bên cạnh các nghệ nhân nổi tiếng như NNƯT Út Tỵ, thành phố hứa hẹn sẽ tạo nhiều bất ngờ với phần trình diễn của 2 tài tử nhí. Nhằm tạo thêm sự cuốn hút với du khách trong Festival khi đến với không gian ĐCTT Nam bộ, thành phố đang thiết kế triển lãm hình ảnh, tư liệu, hiện vật về ĐCTT với chủ đề “Ngân mãi tiếng đờn ca”. Qua đó, gửi đến Festival nhiều thông điệp về sự chung tay từ nhiều nguồn trong xã hội, TP.Hồ Chí Minh cùng 20 tỉnh, thành phố khu vực phía nam sẽ làm giàu thêm kho tàng quý báu của ĐCTT, góp phần đưa bộ môn nghệ thuật này đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Bài 21: Tây Ninh - Sức sống vững bền của đờn ca tài tử

MINH HIẾU - THÁI BÌNH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1892
Quay lên trên