Đồng cảm và chia sẻ...

Cập nhật: 30-05-2012 | 00:00:00

Công đoàn các khu công nghiệp (KCN) Bình Dương vừa phối hợp với Công đoàn KCN Việt Nam- Singapore tổ chức họp mặt công nhân lao động (CNLĐ) bị tai nạn lao động (TNLĐ) nặng năm 2012. Hơn 80 mảnh đời không lành lặn đã có dịp gặp nhau, cùng chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, công việc. Nhưng điều làm chúng tôi trăn trở là năm nay lại có những khuôn mặt mới - nghĩa là có nhiều người mới bị TNLĐ.  Người sử dụng lao động và người lao động nâng cao ý thức phòng ngừa TNLĐ để tránh những tai nạn đáng tiếc

Giúp họ vơi bớt nỗi đau

Trong số những CNLĐ bị TNLĐ nặng, có người tỷ lệ thương tật lên đến 92%, hủy hoại cả đôi tay và một phần trí óc...; có người không còn đôi chân lành lặn khi tuổi đời còn quá trẻ; có người khuôn mặt bị biến dạng... Sự mất mát một phần cơ thể khiến những CNLĐ, trong số đó không ít người là trụ cột của cả gia đình mất đi niềm tin trong cuộc sống. Chính họ lại trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Vì vậy buổi họp mặt tuy ngắn ngủi nhưng phần nào giúp họ vơi đi nỗi buồn trong cuộc sống, vươn lên trở thành người có ích cho xã hội. Như lời anh Đỗ Văn Thành ở TX.Dĩ An bộc bạch: Mỗi năm tôi lại mong chờ đến ngày họp mặt. Đây là cơ hội hiếm hoi để tôi được ra khỏi nhà, được gặp gỡ những người đồng cảnh ngộ và hơn thế nữa, tôi được gặp gỡ chính những người đã giúp đỡ mình trong lúc khó khăn nhất của cuộc đời.

6 năm trước, anh Đỗ Văn Thành là một công nhân kỹ thuật giỏi của Công ty Sản xuất bê tông tươi. Rồi anh bị điện giật trong một lần vận hành thử nghiệm xe đổ bê tông. Tai nạn xảy ra trong tích tắc, theo lời kể của những đồng nghiệp chỉ trong vòng chưa đầy 1 phút, nhưng phải sau 49 ngày nằm viện điều trị anh mới tỉnh lại. Khi đó, trong anh là nỗi tuyệt vọng tột cùng. Hai cánh tay bị cưa quá cùi chỏ, da trên đầu được đắp bằng da đùi... với tỷ lệ thương tật đến 92%. Căn nhà khang trang do vợ chồng anh chắt góp dựng nên phải “đội nón” ra đi sau những lần chị tới, lui bệnh viện chăm sóc anh. Bởi anh nằm viện hàng tháng trời, viện phí được phía công ty hỗ trợ nhưng sinh hoạt, ăn uống của cả gia đình anh biết trông cậy vào ai khi hai vợ chồng là những trụ cột của gia đình. Anh Thành cho biết: Hiện tại, cuộc sống gia đình còn rất nhiều khó khăn, vì ngoài tiền ăn, học vợ chồng tôi phải gánh thêm tiền nhà trọ, điện,

nước giá cao với gần 1 triệu đồng/tháng. Nhưng còn được sống như tôi đã là may mắn lắm rồi. Nhiều người bị TNLĐ đã vĩnh viễn ra đi.

Gặp gỡ được những người cùng cảnh ngộ như mình làm tăng thêm nghị lực sống, đó là cảm nhận của anh Nguyễn Thanh Điền, quê ở An Giang. Anh Điền còn khá trẻ, chưa vợ con. Anh lê bước đến với buổi họp mặt bằng đôi chân giả và đôi nạng gỗ đầy khó nhọc. Anh Điền kể lại: Anh mới bị TNLĐ cách nay khoảng 1 năm trong một công ty sản xuất giấy. Khi đó, máy của dây chuyền kế bên bị hư nên anh sang sửa giúp. Không lường hết được sự cố nên đôi chân anh bị máy “nhai” nát bét, với tỷ lệ thương tật 86%. Với anh, những tháng ngày nằm viện điều trị là những tháng ngày khó khăn cùng cực. Từ một người thanh niên lành lặn, bỗng chốc biến thành một con người tàn phế, lê la trên chiếc xe lăn hay bằng sự giúp sức của người khác... Nhưng thay vì tuyệt vọng, cuối cùng anh cũng lấy lại được niềm tin cho mình. Anh tâm sự: “Mình tàn chứ không phế, vì vậy luôn tự nhủ phải cố gắng để vươn lên. Mình phải luôn là chỗ dựa tinh thần cho mẹ”. Trước niềm tin của Điền, công ty đã nhận Điền trở lại làm việc và bố trí công việc phù hợp hơn. Hiện tại, mỗi tháng Điền nhận được tiền lương 2,2 triệu đồng, cộng với tiền BHXH chi trả gần 2 triệu đồng nên cuộc sống tương đối ổn định. Điền tâm sự: Đến đây mới thấy mình may mắn, mình chỉ bị mất đôi chân chứ nhiều anh chị khác bị thương tật nặng hơn mình gấp nhiều lần, thậm chí mất cả tính mạng.

 Anh Vũ Đăng Lượng, quê ở Thái Bình bị tỷ lệ thương tật chỉ 24% nhưng thương tật đó hủy hoại khuôn mặt của anh. Ngày đó, anh làm công nhân ép nhựa, bị chiếc máy ép “trở chứng” phun ngược nhựa nóng vào mặt. Vì vậy, ngoài 5 tuần điều trị khuôn mặt, anh hết 5 - 6 tháng đi đi về về Bệnh viện Mắt Điện Biên Phủ để điều trị đôi mắt. Anh tâm sự: Thời gian vừa qua, tôi nằm viện nhiều hơn ở nhà. Tôi may mắn là đã trở lại bình thường. Công ty đã bố trí cho tôi công việc phù hợp hơn.

Trong không khí ấm áp, nghĩa tình, bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch Công đoàn các KCN Bình Dương chia sẻ: Buổi họp mặt nhằm mục đích chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho những CNLĐ không may bị TNLĐ. Tôi mong rằng, các CNLĐ bị TNLĐ sẽ luôn cố gắng vươn lên, không chỉ hoàn thành mà luôn hoàn thành tốt công việc được giao, để cuộc sống ngày càng ổn định hơn. Và mỗi chúng ta ngồi đây là một tuyên truyền viên về phòng ngừa TNLĐ để năm sau buổi họp mặt vẫn là những khuôn mặt cũ chứ không thêm người mới.

Tương thân tương ái vì ngày mai tươi sáng hơn

 Trong những buổi họp mặt thân mật, đầm ấm và nghĩa tình của những CNLĐ bị TNLĐ nặng thì không thiếu những phần quà ý nghĩa từ Quỹ Tương thân tương ái (TTTA) của Công đoàn các KCN Bình Dương. Được thành lập từ năm 2004, Quỹ TTTA có mục đích nhằm trợ giúp những đoàn viên công đoàn, CNLĐ bị TNLĐ nặng, bệnh nghề nghiệp, bệnh hiểm nghèo và những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các công đoàn cơ sở trong KCN. Trong 7 năm qua, Quỹ TTTA luôn nhận được sự quan tâm ủng hộ của Ban Giám đốc công ty, công đoàn cơ sở, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Tính đến nay, quỹ đã vận động được gần 500 triệu đồng. Từ số tiền quý báu đó, Công đoàn các KCN Bình Dương đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 576 trường hợp không may với số tiền 345 triệu đồng.

Mặc dù số tiền không lớn nhưng là niềm động viên cho các CNLĐ bị TNLĐ nặng. Anh Đỗ Văn Thành nói: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, đang lúc khó khăn nhận được món quà mình quý lắm. Nhiều lúc hai vợ chồng ngắm nghía mãi không dám xài. Vì đó không chỉ là những đồng tiền mà chính là tình cảm, sự sẻ chia.

Bà Trương Thị Bích Hạnh cho biết thêm: CNLĐ làm việc trong các KCN đa phần là những người đang sống xa quê và là lao động chính trong gia đình. Vì vậy nếu không may bị TNLĐ, tai nạn rủi ro, mắc bệnh hiểm nghèo... Bản thân và gia đình họ chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn và rất cần sự chia sẻ, trợ giúp kịp thời để vượt qua khó khăn, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Vì vậy, thời gian qua, Ban điều hành Quỹ TTTA đã nhiều lần điều chỉnh tăng định mức chi và mở rộng đối tượng chi. Tuy nhiên, do nguồn quỹ có hạn nên số tiền vẫn còn rất thấp so với những khó khăn, mất mát của người lao động. Chúng tôi vẫn hàng ngày cố gắng nhận sự giúp đỡ từ mọi nguồn lực trong xã hội.

Niềm vui ngày họp mặt như tiếp thêm động lực cho những người không may bị TNLĐ. Nhưng đây cũng là lời cảnh tỉnh cho người sử dụng lao động và người lao động trong việc phòng ngừa TNLĐ. Đừng coi nhẹ, lơ là an toàn lao động; một phút bất cẩn hậu quả gánh chịu một đời.

THU THẢO

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=399
Quay lên trên