“Lao động giỏi, lao động sáng tạo” là phong trào thi đua (PTTĐ) trọng tâm trong năm 2018 và 2019 của Công đoàn Các khu công nghiệp Bình Dương (CĐCKCNBD) đã được công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động phát động thường xuyên, liên tục, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ và phù hợp với đặc thù của từng doanh nghiệp. Phong trào đã trở thành động lực tạo ra những giá trị lớn, góp phần giúp doanh nghiệp trong các KCN phát triển bền vững.
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh và Công đoàn Các khu công nghiệp Bình Dương trao biểu trưng cho công nhân lao động giỏi, sáng tạo năm 2018
Động lực thi đua
Thời gian qua, CĐCKCNBD liên tục phát động các PTTĐ, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; trong đó, trọng tâm là PTTĐ “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”. Cụ thể, tại các doanh nghiệp đã đẩy mạnh phong trào “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ”. Với những khẩu hiệu để người lao động (NLĐ) dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện như phong trào “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, “Bảo đảm an toàn trong sản xuất”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “Thi đua nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm”… đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của doanh nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ.
Bà Mai Thanh Thảo, Chủ tịch CĐCKCNBD, cho biết thông qua PTTĐ đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần thi đua yêu nước, tính năng động, sáng tạo, ý chí vượt khó, hăng say trong lao động sản xuất và công tác của NLĐ. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào, thời gian tới, các cấp công đoàn sẽ tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, tổ chức các PTTĐ theo Luật Thi đua khen thưởng với phương châm hướng mạnh về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn để tổ chức các PTTĐ; cụ thể hóa mục tiêu, nội dung, hình thức, biện pháp chỉ đạo phong trào cho thiết thực, phù hợp với từng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn tiếp tục duy trì tôn vinh tập thể và cá nhân tiêu biểu trong các PTTĐ; kiên trì xây dựng mô hình điểm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng những tấm gương tiêu biểu xuất sắc, điển hình trong phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, làm hạt nhân để thúc đẩy phong trào ngày càng phát triển.
Khuyến khích sự sáng tạo
Hưởng ứng PTTĐ, NLĐ trong các loại hình doanh nghiệp đã say mê nghiên cứu, tìm ra các biện pháp để nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Từ đó đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình say mê lao động, sáng tạo, tiêu biểu cho ý chí vươn lên của đội ngũ công nhân lao động (CNLĐ). Nhiều công đoàn cơ sở đã phối hợp với ban giám đốc công ty triển khai thực hiện các PTTĐ trong sản xuất, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của doang nghiệp và có sức lan tỏa mạnh.
Điển hình tại Công ty TNHH Scancom Việt Nam, PTTĐ “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” phát triển mạnh. Ông Lư Quang Thứ, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết: “Từ khi phát động PTTĐ đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của CNLĐ. Công ty có hẳn một bộ phận cải tiến với rất nhiều đề tài sáng kiến của CNLĐ, làm lợi cho doanh nghiệp”. Còn theo số liệu thống kê của CĐCKCNBD, từ PTTĐ “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, hàng năm có trên 1.000 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, giải pháp hữu ích được doanh nghiệp nghiên cứu, đưa vào ứng dụng. Qua đó, tiết kiệm cho doanh nghiệp khoảng 100 tỷ đồng/năm.
Đặc biệt qua từng năm, danh sách những gương điển hình trong phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” ngày càng dài thêm. Điển hình như anh Phạm Văn Đức, Công ty TNHH Asama (KCN Sóng Thần 2), với sáng kiến cải tiến máy cắt khung xe đạp. Ngày trước mỗi lần mắt cắt của đơn vị anh chỉ cắt được 1 ống, sau khi sáng kiến của anh được áp dụng, đã cắt được 2 ống, năng suất tăng 40%, mỗi năm làm lợi cho công ty trên 500 triệu đồng. Anh Phạm Văn Đức chia sẻ: “Sáng kiến của tôi cũng không có gì lớn. Chỉ là trong công việc hàng ngày thấy cái gì đó chưa hoàn thiện thì cố gắng tìm tòi, suy nghĩ để khắc phục. Bởi rất đơn giản, công ty làm ăn phát triển thì bản thân NLĐ cũng được hưởng lợi”. Thời gian qua, anh Phạm Văn Đức đã có rất nhiều sáng kiến, được doanh nghiệp ghi nhận.
Hay sáng kiến của chị Nguyễn Thị Hoài Thanh, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Triumph Việt Nam (KCN Sóng Thần 1) đã làm giảm chi phí cho doanh nghiệp hơn 100 triệu đồng/năm. Đó là sáng kiến phát triển dòng Sloggi, kết hợp với công nghệ mới, công nghệ ép không đường may đã tạo nên sản phẩm độc quyền của nhãn hiệu Triumph…
Có thể nói, thời gian qua PTTĐ “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” đã thu hút đông đảo NLĐ tham gia, trở thành mục tiêu, động lực vượt khó, sáng tạo trong lao động, làm lợi cho doanh nghiệp và địa phương; đồng thời còn góp phần xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.
THU THẢO