“Dù ai đi ngược về xuôi… ”

Cập nhật: 06-04-2017 | 17:51:48

“Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ tổ mùng Mười tháng Ba”, câu ca ấy đã in đậm trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam từ bao đời nay. Vì vậy, dù ở bất cứ nơi đâu trên mọi miền Tổ quốc hay ở bất kỳ quốc gia nào trên khắp thế giới thì cứ đến ngày Giỗ tổ (10-3 âm lịch) là hàng triệu người con mang trong mình dòng máu Lạc Hồng lại hướng về đất tổ để thắp nén tâm hương, nhớ về nguồn cội và tri ân tổ tiên với tấm lòng thành kính nhất.

Giỗ tổ Hùng Vương hay Lễ hội Đền Hùng là một lễ hội mang tầm vóc quốc gia, để tưởng nhớ và tôn vinh công ơn dựng nước của các vua Hùng. Hàng năm, lễ hội chính được tổ chức tại quần thể di tích Đền Hùng ở núi Nghĩa Lĩnh, thuộc xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đây là dịp để “con Lạc, cháu Hồng” hành hương về nơi đã sinh ra dân tộc Việt Nam anh hùng, đó còn là niềm tự hào, tự tôn dân tộc của mỗi người dân Việt Nam. Bên cạnh đó, ở các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng đều tổ chức các hình thức trong ngày Giỗ tổ như nghi lễ dâng hương, dâng hoa… để cùng người dân địa phương tưởng niệm công ơn của các vua Hùng. Với tầm vóc, ý nghĩa đó, Giỗ tổ Hùng Vương đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại từ năm 2012. Kể từ đó, không chỉ người dân Việt Nam mà còn nhiều du khách nước ngoài đã tìm đến với vùng đất Quốc tổ để tham quan, tìm hiểu về những nét đẹp và giá trị văn hóa của người Việt trong lễ hội này. Không ít dòng lưu bút của du khách để lại đã thể hiện sự khâm phục về ý thức cội nguồn dân tộc của chúng ta. Lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương hàng năm còn là dịp để tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ hôm nay hiểu biết về giá trị của văn hóa phi vật thể tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, một nghi lễ và lễ hội tồn tại qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Đó cũng là “sợi dây” cố kết cộng đồng dân tộc, tạo nên sức mạnh trường tồn của dân tộc Việt Nam. Chính UNESCO đã công nhận điều đó trong quyết định của mình rằng: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc tổ tiên và từ đó nâng lên lòng tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng từ tiềm thức đến hành động; đã trở thành điểm tựa tinh thần, là nguồn sức mạnh, niềm tin của toàn thể con dân đất Việt… từ đó thôi thúc mọi người con đất Việt phải sống thật xứng đáng với các vua Hùng, với tổ tiên”. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương từ ngàn đời nay đã thể hiện ý nghĩa triết lý về sự trường tồn, bởi đó là niềm tin thiêng liêng, là sức mạnh gắn kết cộng đồng, là điểm tựa tinh thần để dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức của lịch sử để tồn tại và phát triển.

T.ĐỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=998
Quay lên trên