Đừng thương mại hóa phim truyền hình!

Cập nhật: 20-04-2011 | 00:00:00

Mấy ngày qua, dư luận liên tục “nã pháo” vào phim truyền hình (PTH) với sự tụt dốc đáng lo ngại của nhiều bộ phim đã và đang được trình chiếu như “Anh chàng vượt thời gian”, “Xin thề anh nói thật” (VTV), “Nợ đa tình” (HTV)... Đây là những bộ phim dài nhiều tập nhưng thiếu sự quan tâm đầu tư về chất lượng nên càng chiếu càng gây nhàm chán, ngán ngẩm cho người xem.

Sau các giải thưởng, sự kiện trao danh hiệu định kỳ và đột xuất diễn ra liên tiếp từ cuối năm 2010, đầu năm 2011 dành cho ê-kíp những người thực hiện PTH, tưởng chừng như đó sẽ là động thái tác động mạnh mẽ đến giới làm PTH để có nhiều tác phẩm hay hơn, thu hút khán giả hơn thì thực tế lại diễn ra theo chiều ngược lại. Nếu trước đây, khán giả cả nước từng không tiếc lời ca ngợi, kỳ vọng vào sự trỗi dậy của điện ảnh truyền hình sau những bộ phim ấn tượng như “Bí thư Tỉnh ủy”, “Ma làng”, “Chạy án”, “Cuồng phong”... thì hiện nay, sự non yếu về chất lượng đến mức lạ lùng của phim “Anh chàng vượt thời gian” (cùng chiếu vào giờ vàng trên VTV như các phim trước) lại khiến người xem thất vọng bấy nhiêu. Tất nhiên nguyên nhân gây kém cỏi về chất lượng phim thì có nhiều nhưng nổi cộm nhất là khâu kiểm duyệt chưa chặt chẽ và kịch bản, đạo diễn còn bị lệ thuộc, chi phối bởi hợp đồng phát sóng - quảng cáo của phim. Vì vậy, đã dẫn tới rất nhiều tình tiết gây phản cảm như cảnh vị hoàng tử chỉ bắt bướm mà diễn ra đến gần 5 phút (do phim được đề nghị kéo dài trong khi kịch bản thì ngắn), quảng cáo lộ liễu một sản phẩm trà đang lưu hành trên thị trường khi mô tả cặn kẽ các loại thảo mộc có trong loại trà này... Hay như phim “Nợ đa tình” (đang chiếu), sau vài tập đầu gây chú ý với sự hài hước của danh hài Hoài Linh thì hiện nay đã bộc lộ sự đuối sức, nhàm chán khi chỉ quanh quẩn chuyện đối phó với 2 bà vợ, có nhiều chi tiết kéo dài quá mức cần thiết, khán giả không xem liên tục vẫn không bị ngắt quãng...

Trả lời trên báo chí mới đây, những người trong cuộc, nhất là các diễn viên chính của nhiều bộ PTH đang gây thất vọng, đã thẳng thừng bày tỏ sự bức xúc với cách làm ăn quá ư giản đơn, thậm chí chụp giật, thương mại hóa của hãng phim - nhà đài mà thiếu sự quan tâm đến chất lượng phim. Cũng từ đây, nhiều diễn viên tên tuổi đã mạnh dạn từ bỏ vai diễn giữa chừng, xem như một cách phản đối kiểu làm ăn thiếu trách nhiệm nói trên. Điều đó cho thấy, không chỉ khán giả mà ngay chính những người trong ê-kíp làm phim cũng không vì thù lao cao mà dễ dàng đồng tình với kiểu làm “mượn đầu heo nấu cháo”. Đây là phản ứng cần thiết trong quá trình “xốc” lại chất lượng PTH, chỉ tiếc là nó chưa nhiều, chưa quyết liệt nên vẫn còn nhiều “hạt sạn” xuất hiện trên sóng truyền hình.

Xã hội hóa PTH nhằm huy động nhiều nguồn lực tham gia làm PTH là đúng đắn, tuy nhiên cần phải nghiêm túc xem xét, chấn chỉnh các khâu trách nhiệm trong quy trình thực hiện, kiểm duyệt. Không vì tiền mà để PTH bị thương mại hóa, vì tuy xem PTH khán giả không tốn phí nhưng đó là nhu cầu tinh thần chính đáng của bộ phận rất lớn người dân cả nước. Đừng để những “hạt sạn” làm mất danh, kìm thế PTH đang nhen nhóm vươn lên. Xa hơn nữa, cần quan tâm đến chất lượng PTH một cách nghiêm túc vì suy cho cùng đây cũng chính là công cụ tư tưởng tác động người dân hướng đến các giá trị chân, thiện, mỹ. 

Q.MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=291
Quay lên trên