Đừng vì khó mà lơ là trách nhiệm

Cập nhật: 23-09-2017 | 08:00:31

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 105/2017/NĐ-CP, có hiệu lực từ 1-11-2017, quy định về hoạt động kinh doanh rượu, bao gồm: Hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu; hoạt động bán rượu tiêu dùng tại chỗ... Điểm đặc biệt của nghị định này là cấm bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi. Xung quanh vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng khó thực thi khi nghị định có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, nếu ngành chức năng chỉ vì sợ khó mà lơ là trách nhiệm thì tương lai của đất nước sẽ ra sao khi lớp trẻ chưa đủ lớn đã trở thành những con nghiện rượu bia?

 Quan sát thị trường và so sánh giá bán rượu bia tại Việt Nam với các nước trong khu vực, có thể dễ dàng nhận thấy giá rượu bia tại Việt Nam khá rẻ và bất kỳ ai cũng có thể tham gia mua bán rượu bia một cách dễ dàng, không bị hạn chế về số lượng và cả độ tuổi. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam hiện đứng thứ 2 ở Đông Nam Á (sau Thái Lan); đứng thứ 10 ở châu Á và thứ 29 trên thế giới về tỷ lệ người sử dụng rượu bia. Rượu bia không chỉ là nguyên nhân gây ra khoảng 200 loại bệnh tật, mà còn là nguyên nhân chính gây ra những vụ tai nạn giao thông. Theo thống kê của ngành chức năng, có tới 60% số vụ tai nạn giao thông tại Việt Nam là do sử dụng rượu bia. Nguy hiểm hơn, lạm dụng rượu bia còn dẫn tới tình trạng bạo lực gia đình, gây mất trật tự an toàn xã hội.

Hệ lụy của rượu bia đối với gia đình và xã hội là quá rõ và nếu không kịp thời chấn chỉnh thì tương lai đất nước sẽ ra sao? Tương lai của lớp trẻ sẽ ra sao? Không phải đến bây giờ mà từ lâu Chính phủ và các ngành chức năng của Việt Nam cũng đã có những văn bản cấm bán rượu bia cho trẻ em. Mới đây nhất là Luật Trẻ em có hiệu lực từ 1-6-2017 cũng có những điều khoản nghiêm cấm bán rượu bia cho trẻ em. Điều 6 của luật này quy định nghiêm cấm bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu bia, thuốc lá và chất gây nghiện; chất kích thích khác; thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em. Chế tài cụ thể cho những hành vi này là mức xử phạt hành chính từ 5 - 10 triệu đồng.

Quy định là vậy, nhưng để thực hiện các quy định này là điều hoàn toàn không đơn giản. Xung quanh quy định nghiêm cấm hành vi bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi tại Nghị định 105/2017/NĐ-CP, nhiều câu hỏi được đặt ra là trường hợp cha mẹ “sai” con chạy sang quán mua rượu bia thì chủ quán có quyền được bán hay không? Người bán làm sao để nhận biết người mua rượu bia đã đủ 18 tuổi hay chưa nếu không kiểm tra các giấy tờ tùy thân, trong khi việc kiểm tra giấy tờ tùy thân không thuộc thẩm quyền của người bán? Với thói quen, tập quán và nhận thức đã ăn sâu vào tiềm thức, đại đa số người dân sẽ không hiểu hành vi bán rượu bia cho trẻ em dưới 18 tuổi là vi phạm pháp luật. Vì vậy, để Nghị định 105/2017/NĐ-CP và Luật Trẻ em đi vào thực tế cuộc sống, cần tăng cường các kênh và đẩy mạnh việc tuyên truyền nội dung này đến từng ngõ ngách của xã hội.

Cùng với việc tuyên truyền là chế tài xử phạt. Nếu ngành chức năng thường xuyên vào cuộc kiểm tra, giám sát thì vấn đề thực thi quy định cấm bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi sẽ không còn là việc khó.

 LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên