Khi gió lạnh về, trong sân hoa đã nở, ông Ngưu Bư bước qua tuổi 68. Tuy không còn nhanh nhẹn như trước, nhưng ông vẫn hăng hái với các hoạt động nhằm giúp đỡ cộng đồng người Khmer tại địa phương. Ông nói “bà con cần mình, mình không thể không làm…”.
Ông Ngưu Bư (đứng) kể lại chuyến đi tham dự Chương trình biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2023 với đồng bào mình
Già làng và những chuyến đi
Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang ở ấp Tân Thịnh, xã An Bình, huyện Phú Giáo, “già làng” Sáu Bư khoe mình vừa mới đi Hà Hội về. Lần này ông đi Hà Nội tham dự chương trình biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) toàn quốc năm 2023 và nhận bằng khen do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Ông là đại biểu duy nhất ở tỉnh Bình Dương trong gần 500 người có uy tín trong đồng bào DTTS của các tỉnh, thành trong cả nước được biểu dương tại chương trình trên.
Với ông Sáu Bư, mỗi chuyến đi đối với ông là một vinh dự và cũng là trách nhiệm. Vinh dự vì được chọn là đại diện cho rất nhiều cá nhân xuất sắc trong tỉnh đi dự; trách nhiệm là phải thể hiện, trình bày được những cách làm hay, ý nghĩa của địa phương đối với công tác dân tộc ở Bình Dương. Vì vậy khi được chọn để phát biểu, ông luôn trằn trọc để viết các ý ra giấy, tuy nhiên khi đứng trước cử tọa, không cần giấy, ông có thể nói làu làu về công tác dân tộc và chính sách dân tộc ở Bình Dương. “Chắc công việc, những ý nghĩ, cách làm đã ăn sâu vào trong máu tui rồi”, ông Sáu Bư vừa cười vừa nói.
Trong năm 2023, còn một chuyến đi khác nữa đã để lại cho ông ấn tượng là đến từng nhà vận động bà con người Khmer ở các xóm xa đến nghe cán bộ công an địa phương tuyên truyền pháp luật. Buổi tuyên truyền được công an địa phương tổ chức vào khoảng cuối tháng 6, theo đề xuất của ông Sáu Bư, sau khi xảy ra sự kiện trên tỉnh Đắk Lắk.
Buổi tuyên truyền pháp luật thu hút hơn 50 người là bà con người Khmer. Nhưng để tập hợp được chừng đó người, đặc biệt phần lớn sinh sống ở các xóm xa của xã An Bình, nhiều trường hợp lớn tuổi không sử dụng điện thoại, ông Sáu Bư và những thành viên trong Tổ an ninh tự quản trong cộng đồng người Khmer phải lặn lội đến từng nhà vận động. Đến 14 giờ chiều, bà con đã đến chật hội trường ấp nghe tuyên truyền pháp luật.
Góp sức cho sự phát triển của quê hương
Ông Sáu Bư tự nhận mình là người mê làm công tác xã hội liên quan đến đồng bào mình tại xã An Bình. Mỗi khi bà con có việc ông đều nhiệt tình giúp đỡ, không quản ngại khó khăn, lâu dần được bà con quý mến, xem như “già làng”. Cũng chính vì thế mà ông vinh dự được bầu là đại biểu HĐND huyện Phú Giáo, nhiệm kỳ 2021-2026.
Công an xã An Bình và người có uy tín trong đồng bào Khmer trao đổi về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn
Từ lâu, ông Sáu Bư được chính quyền địa phương tin tưởng giao trọng trách làm “cầu nối” trong việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cộng đồng người Khmer xã An Bình. Hiện tại, xã có hơn 260 hộ dân Khmer, với hơn 1.000 nhân khẩu an cư, lập nghiệp. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, đời sống của người đồng bào Khmer ở vùng đất này ngày một khá giả, nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo.
Trở lại An Bình, những con đường đất đỏ len lỏi trong xóm ngày nào đã được thay thế bằng những con đường bê tông phẳng lỳ. Nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên. Đời sống bà con ở đây đã đổi thay thấy rõ. Trung tá Trần Thanh Sơn, Phó trưởng Công an xã An Bình, cho biết kinh tế ngày càng phát triển nhưng số trường hợp con em người Khmer ở xã An Bình vi phạm pháp luật lại giảm theo từng năm. Đó là điều rất đáng mừng.
Theo Trung tá Trần Thanh Sơn, nguyên nhân để có được kết quả trên ngoài việc chính quyền địa phương quan tâm đến bà con thì những “già làng” là người có uy tín, thông hiểu phong tục, tập quán của bà con như ông Ngưu Bư đã phát huy được vai trò của mình trong tuyên truyền, vận động người dân tham gia phòng chống tội phạm; cảm hóa, giáo dục con em “chậm tiến”, góp phần kéo giảm tội phạm, vi phạm pháp luật tại địa phương… Những cách làm trên đã góp phần giúp địa phương ngày càng phát triển bền vững.
Trên địa bàn huyện Phú Giáo hiện có khoảng 3.000 người DTTS, trong đó phần lớn là đồng bào Khmer sinh sống chủ yếu ở ấp Tân Thịnh và Nước Vàng, thuộc xã An Bình. Thượng tá Bồ Văn Cúc, Trưởng Công an huyện Phú Giáo, cho biết nhằm phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, Công an huyện tranh thủ người có uy tín trong đồng bào DTTS để tuyên truyền, vận động bà con tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Bằng sự hiểu biết, uy tín của bản thân, những cá nhân này còn tham gia phối hợp thuyết phục, hòa giải những mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ đồng bào ngay từ ban đầu, góp phần giữ gìn phong tục, truyền thống tốt đẹp của cộng đồng dân tộc Khmer và an ninh trật tự tại địa phương. |
NGUYỄN HẬU - VĂN CHÂU